Tập duy nhất
Chương 12: Một cuộc gặp riêng tư với phụ huynh.
0 Bình luận - Độ dài: 2,163 từ - Cập nhật:
- Lấy lại USB thì cũng được thôi, cơ mà con phụ huynh lên trường đi rồi cô trả.
Nghe những gì tôi nói ra, thằng bé hoảng hốt tột độ. Nó liên tục múa máy tay chân:
- Đừng mà cô. Con năn nỉ cô đó, cô làm vậy là giết con mất!
Thấy thằng bé luống cuống, tôi hiểu ra ngay vấn đề. Xem ra là cái USB này cũng chẳng phải là đồ dùng riêng tư của cậu chàng, rất có thể, ông tướng nhỏ này đã lén dùng trộm đồ của cha mẹ nên giờ sợ bị bắt quả tang đây mà!
- Đằng nào thì tờ tự kiểm của con cũng sẽ phải ghi thật rõ lý do bị phạt. Con không giấu được đâu.
Ngay lập tức, thằng nhỏ xụ hai vai xuống, miệng mếu máo:
- Dạ.
Bộ dạng ủ rủ như con cún con bị chủ ngó lơ của nó khiến lòng tôi âm thầm gào thét. Tôi thích những thứ đáng yêu, cực kì thích, và trong mắt tôi, những đứa trẻ con lúc đang ngoan ngoãn chính là sinh vật đáng yêu nhất trần đời. Không thể nào kìm chế nổi, tôi lại đưa tay ra xoa đầu Trọng Khang. Và kể cả khi đang hành động như vậy, miệng tôi vẫn chỉ nói những lời hết sức cứng rắn:
- Về hỏi cha mẹ thu xếp được hôm nào lên trường gặp mặt thì báo lại cho cô nhé.
Nói xong câu đó, tôi bắt đầu tiến hành đóng cửa. Trọng Khang - đứa trẻ vừa mới phạm lỗi - cố gắng phụ giúp cô giáo bằng cách nhặt mấy mẫu rác nằm trên mặt bàn vi tính hay chỉnh lại mấy cái ghế cho thật thẳng lối, ngay hàng. Tôi không khỏi buồn cười, bèn cất tiếng trêu:
- Dù con ở lại phụ thì cô cũng không có xóa tội cho con đâu đó nhé!
- Dạ con biết.
Thằng bé nói bằng giọng thật buồn bã. Im lặng một lúc lâu, nó mới cất tiếng lí nhí:
- Cô ơi, cô giận con không?
Nhìn gương mặt nơm nớp âu lo của Trọng Khang, tôi cố nhịn cười:
- Giận chứ sao không!
Thế là nó lại òa lên khóc thêm một trận. Tôi hốt hoảng, lần trước khóc vì sợ hãi thì tôi còn hiểu, lần này thì rốt cục là vì lý do gì?
Và dù không hiểu vì sao thằng nhỏ khóc, nhưng tôi biết là mình không thể mặc kệ thằng nhỏ. Tôi lại ôm chặt nó vào lòng mà vỗ về, y hệt như cách mà tôi từng làm với nhỏ lớp trưởng lớp tôi. Quả nhiên, đây là chiêu bài vạn năng, dù cái áo dài trên người tôi đã bị thấm ướt một mảng nhưng thằng bé cũng dần dần ngừng rơi nước mắt. Nó nghẹn ngào hỏi từng câu từng chữ:
- Cô ơi, thế con phải làm sao cô mới hết giận con?
Ồ, hóa ra chỉ là vì chuyện này thôi à? Tôi kinh ngạc, thú thật là chưa bao giờ tôi nghĩ đến lý do khiến thằng bé bật khóc là vì sợ mình giận nó. Tôi chỉ là một bà cô chủ nhiệm thôi mà, ngoài những khi gặp gỡ ở trường thì dù tôi có giận thằng bé thật thì cũng có ảnh hưởng mấy đến nó đâu?
- Chỉ cần từ nay về sau con ngoan là cô không giận nữa.
Đôi mắt sưng húp của thằng bé lóe lên tia sáng rồi nhanh chóng tàn lụi đi:
- Cô nói xạo đúng không? Mẹ con cũng nói là chỉ cần con ngoan thì không giận nhưng mẹ đâu có hết…
Lúc vừa mới nghe nửa câu, tôi đã suýt ngắt lời thằng bé. Ơ hay, thằng nhóc Trọng Khang này gan to bằng trời, dám công khai nghi ngờ những gì cô giáo nói kìa. Nhưng nghe đến nửa câu sau, tôi thấy lòng đau như cắt. Dù chưa được biết tận tường câu chuyện, nhưng linh cảm mách bảo tôi rằng gia đình thằng bé đang… khá có vấn đề. Nên thằng nhóc Trọng Khang mới phản ứng gay gắt với chuyện bị giận như thế!
- Cô hứa với con là chỉ cần con không phạm bất cứ lỗi lầm nào đến cuối tháng, cô sẽ không giận con nữa. Được chưa?
Vừa nói, tôi vừa đưa ngón tay út ra. Nhóc Trọng Khang dè dặt đưa cái bàn tay nhỏ xíu của nó đến trước mặt cô giáo. Và chúng tôi đã thực hiện một cam kết thật uy tín với cái móc ngoéo ngay tại thời khắc này. Ngay lúc đó, trên khuôn mặt Trọng Khang xuất hiện một nụ cười tươi rói.
Ba ngày sau, cuối cùng tôi và phụ huynh của Trọng Khang cũng đã kịp có với nhau một cuộc hẹn. Người đến là mẹ của Trọng Khang, một người phụ nữ có ngoại hình thời thượng. Đến với cuộc hẹn, chị mặc một chiếc đầm ôm sát và thoa son màu đỏ rượu sang trọng, hợp thời. Để cho riêng tư, chúng tôi gặp nhau sau khi tất cả đám học sinh đã tan trường. Nhóc Trọng Khang cũng được tôi dẫn qua phòng giáo viên và nhờ một đồng nghiệp khác trông hộ. Tôi muốn có một cuộc trò chuyện cẩn thận hơn với mẹ thằng bé - người mà tôi đang hoài nghi là đang giáo dục con cái sai cách.
Khi đã cùng nhau ngồi trong một căn phòng vắng lặng, bốn bề yên tĩnh, chúng tôi giương mắt nhìn nhau. Sau vài câu giới thiệu qua loa, lấy lệ và đầy gượng gạo, tôi thông báo với mẹ Trọng Khang lỗi lầm mà thằng bé phạm phải. Để tránh phụ huynh hiểu lầm rằng nhà trường đang làm khó con em họ, tôi đã chủ động giải thích lý do khiến nhà trường lo ngại về lỗi lầm này. Xong việc, tôi mới bắt đầu lân la hỏi thăm chị đôi chút về hoàn cảnh của Trọng Khang. Như chỉ chờ có thế, người mẹ còn khá trẻ trung và xinh đẹp ấy bắt đầu sổ ra một tràng dài gấp mấy lần những gì mà tôi có thể tưởng tượng.
Theo lời kể của chị ấy thì chị đã ly hôn với cha ruột Trọng Khang. Khi cha mẹ ly hôn, thằng bé đã chọn sống cùng với cha thay vì mẹ. Nhưng chỉ hai năm sau, cha thằng bé lấy vợ mới, Trọng Khang được đẩy về chỗ mẹ ruột. Thế là chị đã nuôi dạy nó trong nhiều năm qua. Tất nhiên là mẹ của Trọng Khang không quên kể cho tôi nghe rằng, một người phụ nữ đơn chiếc như chị đã phải bươn chải vất vả đến thế nào để nuôi một đứa trẻ vừa lì lợm, vừa bướng bỉnh, vừa phản trắc.
- Đó, tôi vất vả làm việc ngày đêm để lo cho nó mà nó chẳng biết thương tôi chút nào. Cô thấy đồ điện tử của nó chưa, tầm tuổi nó có mấy đứa có cả Iphone, Ipad và Macbook như thế? Vậy mà thằng quỷ nhỏ này vẫn ráng đi gây chuyện hết lần này đến lần khác. Giờ thì chỉ còn một tuần nữa là đến ngày tôi đám cưới mà nó vẫn chẳng chịu để cho tôi yên ổn lấy một ngày. Trời ơi!
Nhìn người phụ nữ với đôi môi đỏ rực đang than trời trách đất, tôi lặng lẽ thở dài. Chị thẳng thắn thể hiện sự chán ghét đứa con ruột thịt mà không thèm che lấp chút nào cả. Có vẻ như chị vẫn canh cánh chuyện đứa con từng lựa chọn chồng cũ thay vì chọn chị. Hoặc bây giờ chị đã sắp tiến tới với người mới, đứa trẻ này trở thành một mối phiền toái chăng?
Dẫu sao thì trạng thái cảm xúc của chị ta bất ổn đến độ một người vốn định đi “mắng vốn” như tôi cũng chẳng dám châm dầu vào lửa. Tôi đã phải làm một điều mà mình chẳng thể nào ngờ được: xoa dịu tình hình.
- Thật ra lỗi mà Trọng Khang phạm lần này không to lắm đâu ạ. Em thấy thằng bé cũng rất có tiềm năng trong việc học, điểm số các môn của tự nhiên của thằng bé luôn thuộc top đầu. À, mục đích chủ yếu nhất mà em mời chị đến đây là để phổ biến cho chị biết về cuộc thi Violympic Vật Lý. Cuộc thi này được tổ chức trên internet, nên em nghĩ là cần phải bảo với phụ huynh để chú ý nhắc nhở bé tham gia các vòng loại cho kịp thời gian.
Như một phép màu, vừa nghe đến cuộc thi, mẹ Trọng Khang lập tức ngừng chửi rủa. Với cặp mắt láo liên, chị ta hỏi:
- Kiểm tra có chín điểm như thằng nhóc nhà tôi mà cũng được thi à cô?
“Một câu thoại rất là bà mẹ châu Á” - đó là điều mà tôi thầm nghĩ trong lòng. Nhưng ngoài mặt, tôi vẫn cứ giả lả:
- Vâng chị. Tuy chỉ có chín điểm nhưng Trọng Khang đã là một trong năm bạn có điểm Vật Lý cao nhất toàn khối rồi đấy ạ, em khuyến khích bé tham gia.
Như mảnh đất cằn cỗi được cõi trời ban cam lộ, bao nhiêu sự khó chịu trên gương mặt mẹ Trọng Khang tan đi đâu mất. Bà ta tủm tỉm cười:
- Thế thì tốt quá. Em cảm ơn cô giáo, em sẽ nhắc nhở thằng bé ạ.
- Dạ chị, hôm nay em chỉ muốn nhắn nhủ với mình về vài vấn đề đó thôi ạ. Giờ em xin trả lại USB cho gia đình.
Nói xong, tôi đặt cái món tang vật mà mình tịch thu cách đây vài hôm lên bàn. Mẹ Trọng Khang lơ đãng nhét nó vào trong chiếc túi xách thời thượng, nhìn thái độ đó, tôi đoán là nó cũng chẳng phải là món đồ dùng quan trọng mấy. Tôi thở một hơi rồi xách chiếc túi đựng laptop của mình lên, chuẩn bị rời khỏi, song ngay lúc đó, một bàn tay mềm mại đã nhanh nhảu chụp lấy tay tôi:
- Dạ em xin cảm ơn cô vì đã quan tâm đến cháu nhà em…
Đôi bàn tay ấy nhét vào tay tôi một thứ gì đó nham nhám. Tôi ngoảnh đầu lại, hoảng hốt khi thấy trong tay mình là một cái phong bì. Độ dày thì chẳng đáng là bao, nhưng tôi biết thứ trong đó chứa đựng có thể phá hủy danh dự và lòng tự trọng của một người làm nhà giáo. Người tôi run lên như bị điện giật, tôi hốt hoảng giật tay mình lại rồi cố gượng cười:
- Dạ em chào chị.
Không đợi người ta kịp nói thêm bất cứ lời nào nữa, tôi chạy một mạch vào toilet. Đứng trước bồn rửa mặt, tôi vặn vòi nước thật lớn và liên tục táp nước vào mặt mình. Chẳng rõ bao lâu trôi qua nhưng cuối cùng, tôi cũng lấy lại được sự bình tĩnh. Vừa đặt tay lên ngực, tôi vừa thở phào:
- Trời ơi, hú vía.
Lắng nghe hơi thở dồn dập trong tim, tôi biết là bản thân đang vô cùng hoảng loạn. Kể cả trong tưởng tượng của tôi, tôi cũng chẳng tưởng tượng được là có ngày người ta dúi tiền trực tiếp vào tay mình như thế này. May là trong lúc mụ mị, tôi đã không nhận lấy. Chứ “của biếu là của lo, của cho là của nợ”, nhận hối lộ rồi mà không “biểu hiện” gì đó thì lại khó ăn khó nói với người ta.
Phải đến khi nhịp tim bình ổn hơn, tôi mới thong dong bước khỏi nhà vệ sinh đang đứng. Nhưng vừa bước ra, tôi lại nghe thấy tiếng mắng mỏ bên tai mình:
- Cái đồ quỷ sứ, bộ mày không thấy tao làm lụng vất vả kiếm tiền nuôi mày hả? Sao cứ báo tao hoài vậy.
- Con xin lỗi.
Chỉ cần nghe giọng, tôi cũng biết là những ai đang nói chuyện. Còn ai khác ngoài mẹ con nhà Trọng Khang nữa đây. Tôi nghe rồi, tôi đã nghe thấy tiếng xin lỗi chân thành của thằng bé. Nhưng như thế thì có ích gì chứ? Mẹ thằng bé vẫn không ngừng nói chuyện, mồm bà ta liếng thoắng vô số câu mắng mỏ trên đời. Để rồi, khi bóng dáng họ đã khuất nơi xa, bên tai tôi vẫn còn văng vẳng những tiếng reo ai oán: “Trời đất quỷ thần ơi, sao cái số tôi nó khổ thế này!”
0 Bình luận