Khi tiết dạy của tôi kết thúc cũng là lúc toàn trường được ra chơi. Đây là giờ ra chơi lớn nhất trong buổi sáng nên đám học sinh phải tụ tập xuống sân để hoàn thành bài tập thể dục bắt buộc. Nhìn bằng mắt thường cũng thấy được một loạt những gương mặt chán chường và ngờ nghệch, hiểu ngay, chúng có thiết tha gì với chuyện vận động giữa giờ đâu! Tuy vậy, chúng vẫn cứ phải cam chịu thôi, làm gì có lựa chọn nào khác ở đây nữa. Thầy tổng phụ trách và nguyên một dàn sao đỏ do đích thân thầy đào tạo luôn sẵn sàng truy lùng những nhân tố dám bỏ trốn khỏi “sự kiện” vô cùng quan trọng đấy.
Thế nên, dù muốn hay không, đám học sinh cũng phải có mặt dưới sân đúng lúc. Và ngay trong lúc chúng nó phải chen chúc với nhau như vậy thì thầy cô nó lại được thong dong tận hưởng giờ nghỉ của mình. Có người ngồi trong phòng nghỉ của giáo viên, thong dong pha tách trà hoa nhấm nháp, có người vội vã kiểm tra lại giáo án hoặc tranh thủ chấm điểm mớ bài làm của đám học sinh đôi khi khá là ngờ nghệch. Một bộ phận khác, gồm có tôi, tranh thủ thời gian xuống căng tin ăn trưa.
Nở nụ cười chào hỏi mấy chị bán hàng quen thuộc bên dưới căng tin, tôi nhìn qua mấy cái bàn inox nối dài với nhau được bày la liệt một loạt tô mì gói, hủ tiếu… rồi lấy một dĩa cơm mang đến chỗ nhân viên bán hàng. Chị nhân viên cười tươi rói, gắp cho tôi một miếng sườn to hơn kha khá so với những suất bình thường. Trả tiền xong, tôi chọn bừa một cái bàn để ngồi xuống ăn qua quýt.
Như đã nói, cơm ở đây chẳng có gì để gọi là ngon miệng nhưng cũng không khó ăn, vẫn có thể nuốt tạm cho qua ngày. Chứ mấy món khác như hủ tiếu, mì này nọ cũng chẳng ngon hơn là bao, lại mau đói, hoàn toàn không thân thiện với người lao động cực nhọc như tôi chút nào cả. Hôm nay cơm hơi khô, tôi cô nuốt mãi mới xong. Thành thử ra, tôi ăn hơi chậm hơn bình thường. Tôi đã không kịp rời khỏi căng tin trước khi đám học sinh đổ bộ.
Vô số đứa học sinh ùa xuống căng tin ngay sau khi buổi tập thể dục vừa kết thúc. Nói sao ta, người ta thường so sánh cảnh tượng này với đàn ong vỡ tổ nhưng tôi thấy không giống chút nào. Bởi đàn ong vỡ tổ thường rất hỗn loạn, trong khi đoàn học sinh này chỉ nhất trí chuyển động về một hướng. Tất cả chúng đều cùng chung một mục tiêu, một lý tưởng, rằng cái bụng đói của chúng phải được lấp đầy. Cứ như vậy, đoàn người dữ dội như một cơn sóng lớn cuộn trào, sẵn sàng nuốt chửng bất cứ thứ gì ngăn chặn chúng trên con đường tìm đến bữa sáng. Trước tình hình ấy, một kẻ vừa ăn xong như tôi vội vã vơ lấy cây tăm xỉa răng, định bụng sẽ nhanh chân chạy khỏi đây trước khi khu vực này hoàn toàn tắc nghẽn.
Nhưng khi chuẩn bị rời đi, tôi lại nhìn thấy cặp đôi Ngọc Tâm, Bảo Ngọc. Hai đứa nó vốn là đôi bạn thân thiết nên cả việc đi ăn cũng có chiến thuật rõ ràng. Một đứa nhanh nhảu đi chọn món, tính tiền trong khi đứa còn lại nhanh chân giành bàn cũng như gom góp đủ các loại gia vị cần có cho bữa ăn. Nhờ sự phân công nhịp nhàng đó mà chẳng bao lâu sau, đôi trẻ đã được ăn trong khi bao nhiêu đứa học sinh khác đang chật vật xếp hàng lấy thức ăn hoặc bối rối tìm chỗ. Cơ mà điều khiến tôi ngạc nhiên chẳng phải là tư duy chiến thuật đó. Lý do khiến tôi há hốc mồm là vì tôi vẫn luôn nghĩ rằng bọn chúng đã ăn sáng đấy!
Tôi nghĩ vậy và tôi tin vậy. Dù chúng chẳng hề nói như thế và tôi cũng chẳng có bằng cớ nào. Nhưng khi thấy hai đứa nó đã đến lớp rồi mà cùng biến mất, quán tính của tư duy đã xui khiến tôi nghĩ rằng chúng đi ăn cùng nhau. Dù sự thật đã được khẳng định rất rõ vào lúc này: chúng chưa ăn sáng.
Não tôi không khỏi đặt câu hỏi rằng liệu bọn chúng đã đi đâu lúc đầu giờ ấy nhỉ? Thú thật, xung quanh khu vực trường học này vốn chẳng có nhiều chỗ để đi cho lắm, ngoài các quán ăn vặt và quán nước thì cũng chẳng có gì. Nên tôi không khỏi tò mò về hành tung của chúng sáng nay. Cơ mà dù có muốn điều tra thì cũng cần manh mối, mà tôi thì đâu có biết gì nên đành cho qua vậy.
“Nhưng đừng hòng mà qua mặt bà cô già này.” Lòng tôi thầm nghĩ như thế. Đợi khi tôi rảnh rỗi một chút, tôi nhất định sẽ điều tra xem bọn nhóc này đang làm trò thần bí gì. Tôi tin rằng hai đứa nó đang giấu giếm một bí mật gì đó.
Thôi nghĩ về Ngọc Tâm và Bảo Ngọc, tôi quay về đối tượng đang thu hút sự chú ý của mình trong khoảng thời gian này: Nguyễn Trung Hiếu. Dù rằng thằng bé đã hứa với tôi rằng sẽ học hành tử tế nhưng tôi vẫn quyết định là sẽ theo dõi nhóc ấy thêm một thời gian. Thế là tôi đã dành vài hôm liền để âm thầm đi theo thằng nhỏ sau giờ học. Tôi phát hiện là bất kể nắng mưa thì hôm nào thằng bé cũng ghé tiệm net để xin một túi ve chai to tướng. Và không phải hôm nào thằng bé cũng được ké xe của bạn, Khôi Nguyên chỉ chở nhóc đi vài ngày trong tuần. Những ngày còn lại, thẳng bé sẽ đi bộ bằng đôi chân gầy gò của nó.
Ngày nào cũng như ngày nấy, thằng bé sẽ đi từ trường đến tiệm net, rồi lại đi từ tiệm net đến một con phố nọ. Đoạn đường đó dài cỡ ba bốn cây số, nếu đi bộ thì cũng mất khá lâu. Đến một góc vắng nọ, thằng bé sẽ đặt túi ve chai ở dưới gốc cây to. Tôi đoán là nó biết tuyến đường cố định mà mỗi ngày mẹ nó đều sẽ đi qua nên mới thả đồ ở đó. Tôi có chờ thử xem khoảng bao lâu mẹ nó mới đến, thì những bữa thằng nhóc đi bộ thì chừng mười phút sau khi nó để đồ ở đó, mẹ nó sẽ đến đây. Chẳng biết là bà có thấy kỳ lạ khi ngày nào cũng nhặt được một túi đồ hữu ích hay không, cơ mà nụ cười trên môi bà thì rất chân thật. Tiếc là thằng nhỏ chẳng được thấy nụ cười rạng rỡ đó, dù chính nó đã tốn bao nhiêu là công sức chỉ để làm mẹ vui lòng.
Nói thật, với góc độ của một người đứng ngoài, tôi thấy cách làm của thằng bé quá cồng kềnh. Vừa tốn bao nhiêu là thời gian của nó lại có rủi ro bị người khác nẫng tay trên, song đó đã là phương án tốt nhất mà thằng bé có thể nghĩ. Bởi vì mẹ của nó đã cấm nó nhặt ve chai cơ mà…
Có một tích tắc nào đó, tôi đã nghĩ rằng mình nên bắt cầu để hai mẹ con nhà này có thể nói chuyện với nhau một bữa cho ra trò. Rõ ràng là họ rất yêu thương nhau, luôn quan tâm lo lắng cho nhau. Tuy vậy, cách yêu của họ lại có phần cực đoan quá. Cả hai đều muốn nhận khó nhọc về mình để đối phương thanh thản, và vì cả hai người đều nghĩ thế nên vô tình khiến đối phương phải tốn công giấu giếm đủ điều. Thế là đã khổ lại càng khổ thêm.
Nhưng tôi lại là kẻ hèn. Tôi không dám can thiệp quá sâu vào chuyện gia đình người khác. Rất khó để lường trước rằng mẹ của Trung Hiếu sẽ phản ứng thế nào khi biết con mình vẫn đang “mạo hiểm” các mối quan hệ bạn bè để phụ giúp cho mẹ nó. Cũng sẽ khó mà lường được rằng thằng bé Trung Hiếu có phản ứng cực đoan khi bị một kẻ nhiều chuyện “ngăn cản” nó giúp đỡ mẹ mình. Nên dù nghĩ là hai mẹ con họ rất cần một cuộc trao đổi, tôi cũng chẳng dám khơi mào chuyện đó.
Quay lại chuyện Trung Hiếu, thông qua cách cư xử với mẹ, tôi rút ra được bài học rằng đứa trẻ này cũng biết sợ mẹ nhưng chẳng nhiều. Mẹ đã vậy, với cô chủ nhiệm chắc cũng chẳng khá hơn là mấy. Tôi càng tin chắc rằng thằng bé sẽ không chịu ngoan ngoãn làm bài tập như đã hứa với mình khi trước. Muốn thằng bé chuyên tâm học tập thì chỉ có một cách duy nhất thôi: giải quyết vấn đề kinh tế của gia đình nó. Phải làm sao cho thằng bé thấy rằng mẹ nó không quá vất vả, nó mới chuyên tập học hành. Hoặc ngược lại, tôi phải chứng minh được cho thằng bé thấy rằng nó phải chuyên tâm học hành thì mẹ nó mới bớt vất vả.
Nhưng tôi chỉ là một nhà giáo, đâu phải là nhà kinh tế học có chuyên môn xóa đói giảm nghèo đâu! Nhìn vào cuộc đời riêng của tôi là thấy ngay, chính tôi cũng chỉ là một kẻ nghèo khổ. Nên tôi chẳng thể nào biết rằng mình phải làm sao để giúp cho một bà chị hơn bốn mươi tuổi, không biết đọc biết viết có được một kế sinh nhai tàm tạm. Dĩ nhiên, nói vậy không có nghĩa là tôi bỏ cuộc. Tôi đã làm tất cả những gì mình có thể để giúp cho gia đình thằng bé.
Ngay từ đầu năm, khi biết hoàn cảnh gia đình Trung Hiếu, tôi đã xin cho thằng bé một suất học bổng khuyến học dành cho học sinh nghèo. Dù rằng học bổng dành cho học sinh nghèo vượt khó sẽ ở mức cao hơn, tuy vậy, học mức học lực chỉ hơn mức trung bình của thằng bé là không đủ để cạnh tranh với các bạn khác. Nhưng dẫu sao, nhà trường cũng đã chịu duyệt cho cậu bé một suất học bổng dành cho hộ nghèo. Đấy rõ ràng là một tin vui, nhưng tôi vẫn chưa thấy đủ. Đằng nào thì khoản tiền ấy cũng chẳng là bao nhiêu cả, huống hồ cũng chỉ là khoảng tiền được nhận một lần. Như vậy thì làm sao đủ để khơi gợi động lực lâu dài cho thằng bé đây?
Thở dài ngao ngán, tôi lại trở về nhà như bao nhiêu hôm khác. Ngồi soạn bài, trong đầu tôi cứ đau đáu câu chuyện thoát nghèo. Trăn trở mãi, tôi đành phải lên mạng tìm hiểu xem liệu có cách nào giúp đỡ gia đình thằng bé không. Và sau khi cất công tìm kiếm đủ trang web, khóe miệng tôi liên tục co giật với những gì nó thấy:
“Không quan trọng bạn là ai. Quan trọng là bạn làm gì lúc này!”
“Nếu bạn không có ước mơ, người khác sẽ thuê bạn xây ước mơ cho họ!”
“Chúng tôi không ép bạn tham gia. Bạn sợ thành công, sợ giàu có thì đừng tham gia nhé!”
0 Bình luận