• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Vol 1 - Kỉ nguyên Vàng cho Án mạng phòng Kín - Dinh Thự Tuyết và Sáu Thủ Thuật

Nhân vật + Prologue

2 Bình luận - Độ dài: 6,071 từ - Cập nhật:

Danh sách nhân vật: 

Haruki Yashiro (45 tuổi): Giám đốc Công ty Trao đổi

Hironobu Ishikawa (32 tuổi): Bác sĩ

Riria Hasemi (15 tuổi): Nữ sinh Sơ trung Năm Ba, Diễn viên Nổi tiếng Thế giới

Toshiro Manei (28 tuổi): Quản lý của Riria

Fenrir Alicehazard (17 tuổi): Người Anh

Satoru Kanzaki (31 tuổi): Tu sĩ của Giáo hội “Toà Tháp Hoàng Hôn”

Reiko Shihai (39 tuổi): Quản lý của Dinh Thự Tuyết Trắng

Chika Meirozaka (22 tuổi): Người hầu của Dinh Thự Tuyết Trắng

Kasumi Kuzushiro (17 tuổi): Học sinh Cao Trung Năm Hai

Yozuki Asahina (20 tuổi): Sinh viên Đại Học Năm Hai

Shitsuri Mitsumura (17 tuổi): Học Sinh Cao Trung Năm Hai

Tên được viết theo kiểu Tây, tên trước họ sau.

***

“Chứng minh rằng vụ án là một căn phòng kín hoàn hảo cũng như chứng minh cho sự vắng mặt của bị cáo tại hiện trường vụ án vậy.”

-Trích dẫn từ phán quyết của Thẩm phán Chiyori Kurokawa tại Toà án Quận Tokyo.-

***

Prologue: Ba năm sau Vụ án Phòng kín Đầu tiên ở Nhật Bản

Mùa đông ba năm trước, vụ án mạng của người đàn ông đó chính là vụ án phòng kín đầu tiên trên khắp nước Nhật Bản. May mắn thay, hung thủ vụ án nhanh chóng bị bắt giữ, với dư dả bằng chứng để buộc tội người này. Chỉ hiềm một vấn đề duy nhất, đó chính là khung cảnh bất khả tại hiện trường vụ án.

Phải… một khung cảnh thực bất khả. Hiện trường chính là một căn phòng kín đúng nghĩa hoàn hảo, và không một ai bên phía cảnh sát hay bên khởi tố có thể giải mã được. Bởi vậy, trọng tâm vụ án bị đổ dồn vào điểm duy nhất đó, và dĩ nhiên đấy cũng là vấn đề gây tranh cãi nhất trong khi xử án này.

“Căn phòng có bị khóa kín hay không không phải là chuyện đáng bận tâm nhất lúc này,” Bên khởi tố đã biện luận như thế, “nếu mọi bằng chứng đều ám chỉ một việc duy nhất: Bị cáo chính là hung thủ. Do đó, câu hỏi ‘hung thủ đã gây án bằng cách nào’ chỉ còn là một câu hỏi vô nghĩa. Vụ án này đã diễn ra, tức căn phòng kín này chắc chắn tạo dựng được. Bởi vậy, chúng tôi tin khung cảnh bất khả kia không thể được dùng làm tiền đề chứng minh cho sự trong sạch của bị cáo được.”

Ngược lại, bên phía luật sư bào chữa lại đưa ra quan điểm khác.

“Theo luật pháp nước ta, điều tối quan trọng nhất của vụ án lại nằm ở việc “vụ án có thể thực hiện được hay không”. Điều này thể hiện rõ nhất qua khái niệm “bằng chứng ngoại phạm”, nếu bị cáo có bằng chứng ngoại phạm tuyệt đối thì cũng đồng nghĩa với việc người đó vô tội, vì người đó không thể thực hiện hành vi gây án. Tương tự như phòng kín trong vụ án lần này, miễn sao nó còn là một căn phòng kín, thì vụ án này là bất khả, không riêng cho mình bị cáo mà còn cho bất kì ai trên thế giới này. Nói cách khác, chứng minh được vụ án là một căn phòng kín hoàn hảo cũng đồng nghĩa với việc bị cáo có một bằng chứng ngoại phạm tuyệt đối. Bởi vậy, việc cho rằng ‘Bác bỏ, bằng cách nào đó hung thủ đã giết người’ trong vụ án này rõ ràng nghịch lại hình mẫu được đưa ra ở các vụ án trước.”

Vậy là vụ án phòng kín đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản lại tiếp tục, lần này thì trọng tâm chuyển hướng về hướng phòng kín. Dần dà, thẩm phán của Tòa án Quận Tokyo đã tha bổng cho bị cáo, hay nói cách khác, “chứng minh rằng vụ án là một căn phòng kín hoàn hảo cũng như chứng minh cho sự vắng mặt của bị cáo tại hiện trường vụ án vậy” -  họ đã chẳng thể chứng minh bị cáo có thể thực hiện vụ án này, và bởi vậy nên bị cáo được xử vô tội.

Và giống như phiên tòa thứ nhất, thì phiên tòa thứ hai cũng phán tha bổng cho bị cáo hệt như vậy. Hơn nữa, đơn truy tố vụ án lên Tòa án Tối cao cũng không được thông qua. 

Phán quyết đó đã làm náo loạn toàn bộ đất nước Nhật Bản. Bởi lẽ, dẫu bạn có đáng nghi cỡ nào, miễn vụ án mạng xảy ra trong phòng kín thì kiểu gì bạn cũng được tha bổng. Đây cũng là lúc mà bên Tư pháp nhận ra hai từ ‘phòng kín’ nguy hiểm tới cỡ nào. 

“Chẳng ai rảnh hơi tạo dựng một vụ án phòng kín cả”, quan điểm ấy giờ đây đã bị quẳng thẳng vào sọt rác. Thể loại bí ẩn phòng kín từng bị khinh thường một thời vì tính phi thực tế của nó, giờ đây đã trở thành loại chuyện thực tế có thể xảy ra bất kì lúc nào.

“Giá trị” cơ bản của vụ án là vậy.

Còn về “hậu quả” của nó, chỉ cần tua nhanh thời gian là thấy thôi. Một tháng sau phán quyết của tòa án Quận, xảy ra thêm bốn vụ án phòng kín nữa. Bẵng thêm một tháng, và thêm bảy vụ án nữa lại diễn ra. Cũng chẳng ngoa khi nói phòng kín như căn bệnh dịch đang lây lan khắp chúng vậy.

*

Trong suốt ba năm qua, tổng số vụ án phòng kín đã lên tới con số ba trăm linh hai vụ. Cũng có nghĩa mỗi năm, 30% vụ án mạng xảy ra trên khắp toàn nước Nhật là án mạng trong phòng kín.

**

Chương 1: Kỉ nguyên Phòng kín

Người phụ nữ trước mặt tôi xổ ra một tràng những gì vừa kinh qua với vẻ hào hứng đến lạ, đến mức tưởng như nước miếng sắp văng ra đến nơi. Vậy mà từng có lúc con ả này trầm tính vô cùng, tôi nghĩ thầm, tự hỏi liệu tâm lý ả có thực sự ổn định không.

Theo lời ả kể, thì ả là người sống sót trong một vụ tự sát tập thể. Ban đầu, ả tới một căn nhà bỏ hoang trong núi để gặp nhóm người trên trang web tự sát nọ. Tại đó, bọn họ đã chuẩn bị sẵn mỗi người một cốc nước để uống. Đa số các cốc nước được trộn với chất độc như xyanua, ô đầu và cá nóc; chỉ trừ duy nhất một cốc mà họ trộn mỗi thuốc ngủ vào.

“Cô có biết thế nghĩa là sao không?” Người phụ nữ hỏi, “Tức là chỉ có một người trong chúng tôi sẽ sống sót.”

Chuyện đó, “tôi” nghĩ, có khi là sự thật. 

"Và tôi là người uống cốc nước đó."

Chuyện đó, "tôi" nghĩ, có khi cũng là sự thật.

"Đúng là tệ hại," ả nói tiếp, "chúng tôi đã tính sẽ cùng nhau chết trong an bình, vậy mà coi kìa, tôi lại sống sót khỏi đó và uống cà phê tại nơi rác rưởi này."

"Chẳng phải thế cũng tốt sao?" "Tôi" hỏi lại. "Sinh mệnh là thứ đáng giá mà."

Ả khúc khích cười khi nghe vậy.

"Cô nghĩ vậy sao?"

"Tôi" thử nhấp một ngụm cà phê. Tệ thật. Mà, chính "tôi" là người làm nó chứ ai. Có vẻ "tôi" có khiếu làm cà phê tệ hại rồi.

Thú thực, chỉ có đúng một việc mà "tôi" giỏi thôi.

Đó là... tạo dựng phòng kín.

"Nói chung là, tôi đã sống sót," Người phụ nữ tiếp lời. "Vậy nên tôi mới đến để gặp cô."

Người phụ nữ chỉ thẳng vào mặt "tôi".

"Để gặp cô, 'Kẻ tạo Phòng kín.'"

_______________________________________________________________________

"Kasumi ơi, em làm miếng Pocky không?"

Đang ngồi nhìn ra bên ngoài cửa sổ, chị gái ngồi đối diện tên Yozuki Asahina đột nhiên lôi ra một hộp Pocky mà mời tôi như vậy. “Em xin nha”, tôi đáp thế, rồi lựa ra một thanh trong cả hộp trước mặt. Tôi đưa thanh Pocky lên miệng, sau đó lại quay mặt về phía cửa sổ. Khung cảnh tháng Mười hai vùn vụt lướt qua. Tuyết chưa đụn thành bãi, nhưng cây cỏ đều đã úa tàn. Thật cô độc. Chẳng hiểu sao, tôi cảm thấy bản thân thật buồn chán.

“Gì chứ, em cảm thấy buồn chán à?” Chị Yozuki cất tiếng hỏi, trong miệng còn đang tóp tép nhai thanh Ponky, “Em muốn trở thành nhà thơ sao? Em là kiểu người sẽ viết thơ phóng tác vào sổ mỗi đêm trước khi đi ngủ à?”

Ôi chà, nghe bà chị trước mặt mỉa mai thi sĩ thế nào kìa. Tôi phải nói gì đó thôi, bằng không bà sẽ móc mỉa đến chết mất.

"Từ dạo sơ trung đến nay em có viết thơ nữa đâu mà."

"Em có viết thơ lúc sơ trung à?"

"Ai sơ trung mà chẳng viết thơ trời."

"Em chẳng có tí thường thức nào cả, Kasumi ơi. Đừng có lấy tiêu chuẩn của mình mà so sánh với thế giới nữa đi."

Chẳng hiểu sao, tôi lại bị chị mắng. Tiện thể, "Kasumi" là tên thật của tôi, còn họ tôi là "Kuzushiro". Gộp lại, là ra Kasumi Kuzushiro. Hồi còn học tiểu học, từng có khoảng thời gian tôi hay bị gọi là "Kuzukasu". Nó cũng na ná giống với "Kimutaku" vậy, chỉ trừ phần không giống thôi. Ý tôi là, tất cả mọi phần luôn ấy. Kết cục, giáo viên tổ chúc một buổi sinh hoạt chủ nhiệm mà phê bình tất cả mọi người, nói rằng "Đừng có trêu Kuzushiro nữa." Buổi họp đó làm tôi buồn ghê gớm. Khi tôi kể cho chị Yozuki về chuyện này, chị đáp rằng, "'Kuzu' với 'Kasumi' nghe giống mấy từ miêu tả mùa trong thơ haiku nhỉ." Tôi không hiểu ý chị ấy lúc đó lắm, nhưng có khi chị nói vể để an ủi tôi.

Chị Yozuki là bạn thuở nhỏ của tôi, tuổi đời hai mươi, hiện tại đang học đại học năm hai. Bà chị ấy lớn hơn tôi ba tuổi, tức tôi mới là một nam sinh cao trung năm hai thôi. Tóc bà chị ấy màu nâu nhạt, dài tầm ngang vai và mịn màng vô cùng. Dẫu vậy, mặt của chị thì ở mức bình thường của bình thường. Vậy mà chị ta cứ khoe từng có thời mà chị "được người ta săn đón tận bảy lần trong cùng một ngày". Bảy cái mời đấy thì hết bốn cái là từ mấy quán rượu và hai cái là đề nghị làm người mẫu tóc cho mấy cửa tiệm salon làm đẹp. "Nhưng cái cuối cùng là từ một công ty giải trí thứ thiệt đấy nhé", chị cày cối như vậy, "và chị vui khi được đề nghị như vậy. Tiếc thay, tính chị thất thường như mèo ấy. Chị nào có hợp với mấy ngành giải trí có cả đống luật ngầm đâu."

Đúng là chị Yozuki tính cách thất thường như mèo thật, và tôi cũng nghĩ chị ta cũng chẳng thể sống lâu trong thế giới giải trí được. Mà đâu phải mỗi ngành giải trí, có nghề nào chị giữ được đâu. Nói không ngoa chứ chị ta sở hữu một khả năng đặc biệt "giúp" bị đuổi việc từ mọi công việc bán thời gian trong vòng một tháng.

Hiện con mèo thất thường ấy đang dùng điện thoại trong lúc ăn Pocky. Đột nhiên, chị hét lên một tiếng "A!" rồi nhìn đến chăm chú vào màn hình điện thoại.

"Coi nè Kasumi ơi, hình như lại có vụ án mạng phòng kín nữa này."

"Ể, thật ư?"

"Ừ, ở Aomori ấy. Ban cảnh sát xử lý phòng kín của tỉnh đó hiện đang điều tra vụ này."

Tôi rút ra điện thoại của mình để kiểm tra tin tức. Có vẻ chị ấy không nói xạo. Quả thực là đất nước đầy rẫy án mạng phòng kín, hệt như mọi khi.

"Chúng ta sống trong một thời đại kì lạ thực, nhỉ?" Chị Yozuki trầm ngâm trong lúc tiếp tục ăn Pocky.

Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm chị ấy. Chỉ một vụ án duy nhất đã làm khuấy trộn hoàn toàn thế giới của chúng tôi. Chỉ tại vụ án phòng kín đầu tiên tại Nhật xảy ra vào ba năm trước ấy. Và tới nay, án mạng ở quốc gia này chỉ quanh quanh sau những cánh cửa bị khóa kín.

_______________________________________________________________________

Chúng tôi dừng chân tại một trạm không người, duỗi mình duỗi mẩy. Khớp chân tôi như muốn bong ra. Đã ba tiếng kể từ khi chúng tôi rời khỏi nhà. Quả là một chuyến đi dài hơi.

"Vậy chúng ta sẽ nghỉ chân ở đâu?" Tôi hỏi.

"Hừm," Chị Yozuki nhìn vào điện thoại mình rồi trả lời tôi, "Từ đây, chúng ta sẽ lái xe leo lên núi, rồi tầm nửa chặng sẽ không còn đường nên ta sẽ đi bộ tiếp."

"Đường lên bị cắt giữa chừng ư?"

"Ừ. Chúng ta sẽ phải đi bộ thêm một tiếng đấy."

"Phải cuốc bộ khoảng dài đấy." Dẫu có lẽ việc đi bộ này sẽ tốt cho sức khỏe thôi.

Hai người chúng tôi bước qua cổng soát vé và ra khu vòng xoay ngay trước trạm, sau đó bắt một chiếc taxi. Lên xe, chị Yozuki nói với tài xế địa điểm mình muốn.

"Chở chúng tôi tới Dinh thự Tuyết đi."

_______________________________________________________________________

Dinh thự Tuyết hiện đang được trưng dụng như khách sạn. Còn về lý do mà chúng tôi lại tới nơi đây trong kì nghỉ đông, âu cũng tại chị Yozuki tới thăm nhà tôi độ một tháng trước. Nếu chị ấy tới chơi không thì thường đi, nhưng vẻ mặt chị ta rõ ràng là có ý đồ gì đó đằng sau. Sau khi uống cốc cà phê tôi pha, chị Yozuki đột ngột nói.

"Kasumi ơi, chị muốn đi tìm Người Tuyết (yeti)."

Ôi trời. Bà chị này hóa điên rồi sao?

"...Yeti sao?"

"Em không biết nó ư? Nó là một chủng của UMA (Quái vật bí ẩn chưa xác định) đấy. Thân hình nó to lớn, lông lá, rồi... ừm, kiểu Người Tuyết ấy."

Không, em biết Người Tuyết là con gì. Vấn đề em muốn hỏi là tại sao chị muốn tìm nó cơ.

"Nè, chị thực sự rất thích UMA đấy. Từ nhỏ chị đã mê đọc tạp chị siêu tâm linh 'Mu' rồi."

Nhớ lại thì hình như tôi từng thấy bà chị này đọc quyển tạp chí đó rồi. Nén không bật ra hơi thở dài, tôi nhấp một ngụm cà phê tự pha.

"Ừm, vậy chúc chị may mắn nhé," Tôi đáp vậy, cố gắng tạo giọng điệu chân thành nhất có thể. "Em biết là tìm Người Tuyết cũng không dễ dàng gì, nhưng mong chị toàn mạng trở về nhé."

Xin đừng để đây là cuộc trò chuyện cuối của chúng tôi. Tôi không muốn mất người bạn thuở nhỏ của mình chỉ vì chị ta muốn đi săn Người Tuyết đâu.

Trông tôi tỏ vẻ sầu não vậy, chị Yozuki mới bực tức thở dài.

"Em nói nhảm gì vậy, Kasumi? Chắc chắn là em phải đi cùng với chị rồi."

Tôi tự hỏi chị ấy đang lảm nhảm cái gì vậy.

"...Chị muốn em cùng chị đi tới dãy Himalaya sao?"

Ừ, đồng ý chị ấy là bạn của tôi đi, vẫn có giới hạn về việc bạn bè có thể làm cho nhau chứ. Phía kia, dường như thấy được nét ngạc nhiên trên mặt tôi, mới nói tiếp để giải thích.

"Em ngạc nhiên gì vậy, Kasumi? Chúng ta chỉ đi tới Saitama thôi mà."

Rồi, bà chị này chính thức bị thần kinh rồi.

Tôi dụi dụi mắt mình vài cái. Vẻ mặt tự tin của bả vẫn lồ lộ trước mặt tôi. Có vẻ chị ta thực sự nghiêm túc. Vậy mà tôi đã mong là đã có sai sót gì đó... Thế nên, tôi mới hỏi thẳng chị ta.

"Thế tại sao chị lại muốn lên Saitama kiếm Người Tuyết vậy?"

"Rõ ràng quá còn gì, vì có Người Tuyết ở đó chứ còn gì nữa."

Chị ta nói như thể tôi đang hỏi câu hiển nhiên dạng "Có núi ở đó không?"

"... Làm sao mà có Người Tuyết ở Saitama được."

"Tất nhiên là có rồi. Ở đó có Người Tuyết Saitama mà."

"Người Tuyết Saitama."

Nghe như tên đội bóng nào ấy.

"Suốt kỉ băng hà, Nhật Bản và đại lục được liên kết với nhau bằng một khúc đất liền," Yozuki giải thích, giọng điệu nghe đầy vẻ tự hào. "Nên tụi chúng có thể cuốc bộ từ dãy Himalaya sang Nhật Bản lắm chứ."

"Vậy là chị tin lũ Người Tuyết đã di cư sang Nhật Bản từ dãy Himalaya trong kỉ băng hà?"

"Ừ, chuyện đó có thể xảy ra mà."

Có cái đầu chị á.

"Vậy nên là Kasumi à, cùng nhau đi tới Saitama săn Người Tuyết thôi," Yozuki nói, ngả người về phía tôi. "Chị tin đây sẽ là kỉ niệm khó quên đời em đấy."

Ừ thì điểm đó tôi đồng ý. Sao mà tôi có thể quên được việc lên Saitama để kiếm Người Tuyết chứ.

"..."

Tôi suy nghĩ một lúc rồi đưa ra quyết định cuối cùng. 

Không đời nào mà tôi đi cả. Như lẽ hiển nhiên, tôi từ chối chị ta. Và rồi bà chị ấy bám víu lấy tôi, bắt đầu màn năn nỉ.

"Xin em đấy, Kasumi ơi, đi với chị đi! Chẳng lẽ em muốn để bạn thuở nhỏ của mình đi thám hiểm một mình sao?"

"Không, chị nên đi với bạn của chị ấy."

"Em nói nhảm gì vậy? Nếu chị hỏi họ muốn lên Saitama để kiếm Người Tuyết không ấy, kiểu gì họ cũng thôi nói chuyện với chị nữa cho xem!"

"Em bất ngờ là chị vẫn còn thường thức tới mức đó đấy."

Tôi rũ khỏi sự bám víu từ chị Yozuki. Đột nhiên, chị ta thả tiếng "A!" rồi lăn người ra sàn. Sau đó, chị ta lấy một hơi thật sâu, đoạn nói.

"Nghe này, Kasumi."

"Rồi, nói đi."

"Em chắc chắn cũng sẽ được lợi trong chuyến săn Người Tuyết này,"

Tôi nghiêng đầu đầy nghi ngờ. "Em nhận được lợi ích gì ư?" Tôi hỏi lại. "Ừ, có đấy." Chị Yozuki đáp, hiện đã chuyển sang thế ngồi trên sàn. "Lợi ích là em không phải trả tiền này." Một lợi ích cổ lỗ sĩ..

Chị ta bật ra ngón cái, nét mặt không giấu nổi vẻ tự hào.

"Em không tin được đâu, khách sạn mà chúng ta nghỉ chân sẽ là Dinh thự Tuyết đấy."

"Dinh thự Tuyết?"

Tôi khẽ nghiêng đầu. Đâu vậy nhỉ? Nghe cái tên có vẻ quen quen.

"Kasumi ơi, chẳng phải em là fan của Byakuya Yukishiro sao?"

"A, là cái dinh thự đó đấy hả!"

Nhìn thấy sự hưng phấn nhất thời của tôi, chị Yozuki thả lỏng mà tặng tôi một nụ cười tự mãn. Bực mình trước vẻ mặt kinh tởm ấy, tôi ho khụ khụ rồi hỏi lại.

"Ra vậy, thế là chị tính ở lại Dinh thự Tuyết sao?"

Tôi ép bản thân phải cư xử thật bình tĩnh, dẫu bản thân vẫn hưng phấn vô cùng.

Byakuya Yukishiro là một tiểu thuyết gia viết trinh thám cực kì giỏi trong việc sáng tác thể loại bí ẩn phòng kín. Dẫu đã mất được bảy năm rồi, ông vẫn là một tác giả nổi tiếng với nhiều tác phẩm được trưng bày ở những nơi bắt mắt khi vào nhà sách.

Tôi là một fan lớn của ông. Có một niềm tin vững chắc trong cộng đồng fan ông rằng, dẫu tồn tại cuộc tranh luận rằng liệu tác phẩm thành công nhất của ông là "Án mạng Phòng kín ở Làng" hay "Án mạng Phòng kín ở Dinh thự", kiệt tác thực sự của ông lại là một thứ hoàn toàn khác. Và thứ đó chẳng phải là một bộ tiểu thuyết, một bộ truyền hình trên TV, một bộ manga hay là phim.

Đó là một án mạng thực sự.

Khoảng mười năm trước, Byakuya Yukishiro đã tụ tập nhiều nhà văn lẫn biên tập viên tới dinh thự của mình cho một bữa tiệc kín. Thức ăn thì ngon lành, thức uống thì tuyệt hảo, và cả tính cách đầy hảo sáng của ông đã khiến buổi tiệc đầy sôi động. Nhưng giữa tất cả những chuyện đó, lại xảy ra một vụ án bất ngờ.

Đó chỉ là một vụ án tầm thường, nghe giống trò đùa hơn là một vụ án thực sự. Và thực chất thì chẳng ai bị thương. Nhưng có một con búp bê kiểu Pháp đã được tìm thấy trong dinh thự, trên ngực bị một con dao đâm xuống.

Và căn phòng đó là một căn phòng kín. Cánh cửa bị khóa từ bên trong, và chìa khóa duy nhất dẫn vào phòng lại ở trong phòng. Nhưng chưa hết, chiếc chìa khóa ấy lại nằm trong cái chai nhựa dẻo, cái nắp bị đậy chặt nít.

Sau này, căn phòng đó còn được biết với cái tên "Phòng kín trong Chai".

Từ khoảnh khắc mà vụ án được tìm thấy, Byakuya luôn giữ nụ cười toe toét trên môi. Ai nhìn thấy cảnh ấy cũng tò mò không nguôi. Chắc chắn ông ta là hung thủ vụ án này, và đây lại còn là sự kiện trong bữa tiệc ông ấy nữa - một án mạng được dựng nên bởi Byakuya, chủ bữa tiệc này.

Nếu mọi sự là như vậy, họ sẽ chấp nhận thử thách của ông.

Tất cả mọi người hiện diện ở đó đều là nhà văn và biên tập viên tới từ cùng một ngành trinh thám. Ai hiện diện ở đó cũng đều có quan điểm riêng của mình về căn phòng kín. Cuộc tranh luận ồn ã dần chuyển thành cuộc suy luận ngẫu hứng của mọi người.

Ai ở bữa tiệc đó đều nói rằng họ đã rất vui. Và họ đều thêm một câu bình sau rốt: "Bữa tiệc sẽ càng vui hơn nếu tôi có thể giải mã được bí ẩn đó."

Cuối cùng, căn phòng kín đó mãi chẳng ai giải được.

Đó chính là kiệt tác thực sự của Byakuya Yukishiro, "Vụ án Phòng kín Dinh thự Tuyết". Tất nhiên, vụ án không hề có tội phạm thực sự, nên vụ án này không hề được đưa ra tòa, nhưng điều đáng nói là nó diễn ra vào bảy năm trước vụ án phòng kín đầu tiên tại Nhật Bản vào ba năm trước.

Một căn phòng kín mà chưa ai có thể giải mã trong mười năm ròng.

Hiện đó vẫn là đề tài được bàn luận trong giới fan trinh thám đến ngày nay, và Dinh thự Tuyết, nơi diễn ra vụ án, đã trở thành một nơi nổi tiếng "mà ai cũng phải viếng thăm một lần trước khi chết". Dinh thự Tuyết giờ đã qua tay chủ mới và được tân trang lại thành khách sạn, nhưng tôi nghe nói hình như "Phòng kín trong Chai" vẫn được giữ nguyên vẹn như mười năm trước vậy. Hình như là căn phòng đó vẫn còn bằng chứng của thủ thuật sót lại.

"..."

Và chị Yozuki đang dùng cái đó để làm miếng mồi dụ tôi đi cùng. Cứ cho tôi yếu đuối đi, nhưng cuối cùng tôi cũng quyết định theo chân chị ấy. Chẳng hiểu sao, Dinh thự Tuyết có một luật lệ rất lạ là chỉ nhận những khách ở lâu ngày, cụ thể là phải ở lại đó ít nhất một tuần. Lẽ dĩ nhiên, chi phí ở lại đó sẽ vô cùng đắt đỏ. Tôi không biết chị Yozuki kiếm đâu ra tiền chi trả, nhưng nếu chị có thể giúp tôi ở lại Dinh thự Tuyết miễn phí thì tội gì mà bỏ lỡ cơ hội. Và đã theo chân rồi, có lẽ tôi cũng nên giúp chị trong công cuộc săn Người Tuyết nữa. 

_______________________________________________________________________

Sau khi ra khỏi taxi, tôi cuốc bộ khoảng một tiếng cho tới khi thấy được cây cầu. Đó là một cây cầu treo bằng gỗ, dài độ năm chục mét, nối hai mảnh khu rừng qua một thung lũng sâu hun hút. Thung lũng dưới cầu hình như sâu khoảng sáu chục mét. Hai bên thung lũng toàn là những vách đá cheo leo, đập tan mọi hi vọng để leo lên hay xuống thung lũng này.

Chị Yozuki nhìn xuống thung lũng bên dưới, bật ra một tiếng "U wa".

"Ngã xuống đây là toi mạng thật đấy."

Chị Yozuki thích nói mấy chuyện hiển nhiên như vậy. Nhưng đúng là sẩy chân thì cả hai đứa sẽ chết thật, nên việc băng qua cây cầu này có chút nguy hiểm. Sau khi băng qua cây cầu treo và cuốc bộ thêm năm phút nữa, chúng tôi thấy một dải tường trắng ở phía xa xa. Bức tường đó khá cao, áng chừng cũng phải hai chục mét.

Ở chính giữa bức tường là một cái cổng để mở, và chúng tôi cứ thế mà bước qua. Gần cửa có một camera giám sát, bắt trọn khoảnh khắc các vị khách như chúng tôi bước vào.

Phải rồi... chúng tôi chỉ là khách thôi. Không gian bên trong gồm có một khu vườn, và ở chính giữa khu vườn đó là khu khách sạn. Đó là một kiến trúc kiểu Tây có màu trắng phấn, một sắc trắng rõ rệt hơn cả bức tường trắng bên ngoài. Quả đúng là Dinh thự Tuyết, nơi này mang sắc màu như tuyết vừa rơi vậy.

Khu vườn bao quanh bức tường cũng đồ sộ không kém, khiến khách tham quan tưởng như khu vườn chính là một bức tường thứ hai bao quanh dinh thự. Trong vườn có vài cái cây, đất vườn thì thuần một màu đen, và chẳng có bất kì vườn hoa nào ở đây cả.

Tiến bước tới tòa nhà, tôi chợt thấy một người phụ nữ bận trang phục hầu gái, mái tóc màu vàng hoe đang hút thuốc. Chị ấy trông chừng hai chục tuổi, còn bộ tóc dài ngang vai kia giống nhuộm hơn là tự nhiên. Chị ấy trông không mang trang điểm, vậy mà trông vẫn xinh xắn và tạo cảm giác như kiểu người thảnh thơi. Khi chị ấy nhận ra chúng tôi, chị ấy lôi ra gạt tàn di động để vứt que thuốc lá đi. Mặt chị ấy tỏ vẻ tiếc nuối thấy rõ.

"Hai người có đặt trước phòng chưa?"

Tông giọng chị ta nghe thật thô lỗ. "Có, tôi có đặt trước phòng dưới tên Asahina", chị Yozuki đáp vậy, và chị hầu gái gật đầu.

"Chúng tôi chờ hai người mãi. Làm ơn hãy vào trong đi ạ."

Giọng điệu của chị hầu gái khiến tôi tự hỏi liệu họ có thực sự "chờ mãi" chúng tôi tới nơi. Xét theo tiêu chuẩn hầu gái thì bà chị này thiếu tinh thần phục vụ khách thật. Mà, có lẽ vấn đề ở đây nằm ở nhiệt huyết hơn là tính cách vốn có.

Chúng tôi đi qua cửa chính mà tiến vào Dinh thự Tuyết. Trong lúc chúng tôi rảo bộ qua hành lang ngắn, chị hầu gái chợt nói như thể vừa nhớ ra.

"Tôi là Chika Meirozaka, hầu gái của khách sạn này. Nếu mọi người cần gì thì cứ gọi cho tôi."

Chị nói nhanh làu làu như vậy. Một giọng điệu sặc công nghiệp, khiến tôi lại tự hỏi liệu có ổn để nhờ người này không.

"Meirozaka à?" Tôi nghe thấy chị Yozuki lẩm bẩm vậy, "Cô hầu Meirozaka~" (Meido no Meirozaka). Hình như chị ấy chơi chữ thì phải. Chị ta có cái tật phải chơi chữ mới dễ nhớ tên người ta.

_______________________________________________________________________

Băng qua đoạn hành lang ngắn là tới khu vực tiền sảnh. Nơi đây rộng rãi hơn tôi tưởng tượng, đến mức thật khó để tin rằng nơi đây từng là cơ dinh riêng của cố nhà văn nọ. Nếu phải so sánh, kích cỡ này phải tương đương với tiền sảnh của một khách sạn cỡ trung vậy.

Tại đây, bàn ghế đã được xếp sẵn, và có vài vị khách đang ngồi tại đó thưởng thức cà phê hoặc trà. Trên bàn cũng có một điã bánh, có vẻ khách sạn này cũng phục vụ vài món ăn nhẹ theo mô hình quán cà phê. À, trên tường còn cả một cái TV cỡ lớn nữa.

Tôi và Yozuki quyết định làm thủ tục nhận phòng tại quầy lễ tân trước. Ngồi tại quầy là một người phụ nữ mái tóc ngắn độ tuổi ba chục. Chị mang chiếc tạp dề đen bận ngoài áo len (nội điểm này trông đã giống chủ quán bên tiệm cà phê lắm rồi), nhưng cộng thêm phong thái toát ra mang nét điềm tĩnh của người lớn tuổi, chị trông giống một nữ chủ tiệm xinh đẹp sẽ giải quyết mấy vụ trinh thám mỗi ngày nếu được yêu cầu vậy.  

Nhưng trên thực tế, có vẻ chị là quản lý của khách sạn này, và hình như có mình chị với chị hầu Meirozaka là điều hành toàn bộ nơi này thì phải.

Tên của chị là Reiko Shihai. Không chú do dự, Yozuki lập tức nhẩm thầm,  “Bà chủ Shihai”. 

Chị Shihai nở một nụ cười nhẹ nhàng, nói,

“Cô Asahina, Anh Kuzushiro, chào mừng hai người tới với Dinh thự Tuyết. Tại đây, chúng tôi sẽ mời hai người thưởng ngoạn khung cảnh thiên nhiên trù phú, thức ăn hảo hạng và cả cơ hội để giải quyết bí ẩn căn phòng kín tạo bởi cố nhà văn lớn Byakuya Yukishiro. Nhân viên của Dinh thự Tuyết chúng tôi sẽ dốc toàn lực để hỗ trợ hai người.”

Giọng chị Shihai nghe có phần ngượng ngùng khi thốt ra những lời đó. Nói xong, chị quay trở lại màn hình máy tính và bắt đầu gõ phím. Hình như là để kiểm tra số phòng của tụi tôi. “Phòng hai người nằm ở tầng hai của tòa nhà phía Tây. Cô Asahina sẽ ở phòng 204, còn anh Kuzushiro sẽ ở phòng 205.”

Chị lui về căn phòng sau bàn tiếp tân, rồi trở ra với hai chiếc chìa khóa trên tay. Đó là cặp chìa khóa màu bạc, dài chừng mười cen ti mét, trông khá thon. Trên mỗi chiếc chìa khóa được khắc số trên tay cầm. Chị đưa một chiếc chìa khóa cho tôi, chiếc còn lại cho Yozuki. 

Trong lúc chúng tôi kiểm tra chìa khóa vừa nhận được, chị Shihai bông đùa mà nói rằng, 

“Đừng làm mất nhé, tụi chị không có chìa dự phòng đâu.”

Nghe chị nói vậy, tôi mới nhìn kĩ lại lần nữa vào chiếc chìa khóa. Hình dạng chìa nhìn phức tạp phết. Việc tạo chìa dự phòng có khi thực sự bất khả thi.

Tôi bỏ chìa vào trong túi, thầm lẩm bẩm “Căn phòng 205 à” rồi đặt câu hỏi cho chị Shihai, 

“Ưm, tại sao lại là tòa nhà phía Tây hả chị?”

Căn phòng tôi sẽ trọ là “phòng 205 ở tòa nhà phía Tây”, nhưng vì mới lần đầu tới đây và tôi mới chỉ ngó qua bề ngoài dinh thự nên tôi vẫn chưa hiểu rõ lắm về thiết kế của Dinh thự Tuyết.

“A, lỗi tôi. Mời cậu nhìn qua tấm bảng này.”

Chị Shihai nói vậy, rồi chỉ qua tấm bảng trang trí nằm trên bức tường phía sau bàn tiếp tân. Tấm bảng là một bản phác thảo sơ bộ tòa nhà, có vẻ là mặt bằng của Dinh thự Tuyết này.

“Dinh thự Tuyết có tất cả bốn tòa nhà,” Chị Shihai giải thích, “Đầu tiên là tòa nhà chúng ta đang đứng, đây là tòa nhà trung tâm, một tòa nhà chỉ có tầng trệt. Phía bắc thì có tòa nhà ăn uống, thì đúng như tên gọi, nơi đây là sảnh ăn mà phục vụ mọi người bữa sáng, bữa trưa và cả bữa tối.”

Theo sơ đồ mặt bằng, tòa nhà phía đông, phía tây và tòa nhà phía bắc (sảnh ăn) đều liên kết bằng cửa hoặc hành lang với tòa nhà trung tâm; nhưng ba tòa nhà đông, tây với bắc lại chẳng hề liên kết với nhau. Có vẻ để tới từ tòa nhà này qua tòa nhà kia, người bắt buộc phải qua tòa nhà trung tâm, như khi muốn qua từ tòa nhà phía Tây sang tòa nhà phía Đông chẳng hạn.

“Em hiểu chính xác rồi đấy,” Chị Shihai đáp lại cùng tiếng cười nhẹ, “Em có thể nói tòa nhà trung tâm là mối nối, liên kết ba tòa nhà khác cũng được. Ngoài ra nhé, Dinh thự Tuyết này không có cửa sau đâu. Còn mọi cửa sổ của Dinh thự này hoặc là không mở được, hoặc là có phần rào trước để ngăn cản việc sử dụng để tiến vào hay thoát ra khỏi dinh thự này. Bởi vậy, cách duy nhất để tới khu vườn là phải băng qua cửa trước ở tòa nhà trung tâm, và ngược lại, em không thể từ khu vườn mà qua các tòa nhà khác được.”

“Hừm, nghe phiền thật đấy,” Chị Yozuki nói vậy, “Tại sao ông ta lại thiết kế Dinh thự này như vậy?”

“Chịu, chị chẳng thể giải thích nổi cách suy nghĩ của cố nhà văn viết tiểu thuyết trinh thám kia,” Chị Shihai đáp lại bằng nụ cười mơ hồ trước khi lại chỉ tay về phía sơ đồ mặt bằng, “Ngoài ra, hành lang nối các tòa nhà có tường và cả mái che đấy. Không khí bên ngoài còn chẳng đột nhập vào nổi đâu, nói gì đến con người.”

Tôi gật đầu trước lời chị Shihai. Nói cách khác, dẫu nói là đường thông giữa các tòa nhà nhưng thực chất mấy hành lang đấy chẳng khác mấy hành lang trong dinh thự là bao.

Tôi nhìn lại vào sơ đồ mặt bằng lần nữa, rồi hỏi thêm một câu,

“Còn tòa nhà này là sao vậy chị?” Vì ngoài bốn tòa nhà chính ra, vẫn còn một tòa nhà nữa hiện diện trên sơ đồ mặt bằng này. Đó là một tòa nhà nhỏ nhô ra từ tòa nhà phía tây. Và cũng được liên kết với tòa nhà trước bằng một hành lang.

“À, đó là phòng rời,” Chị Shihai trả lời, “Đấy từng là một trong những căn phòng mà Byakuya Yukishiro sử dụng để sáng tác đấy. Nó cũng được gọi là

“Phòng Biệt Lập”. Khi nào bí ý tưởng sáng tác, ông sẽ luôn giam mình trong căn phòng đó và cắn một miếng táo. 

“Tại sao lại là táo nhỉ?” Chị Yozuki thắc mắc.

“Chắc cũng giống Agatha Christie thôi,” Tôi giải thích. Nghe nói ăn táo trong lúc tắm sẽ giúp người nảy ra những ý tưởng hay ho. Nghe vậy, tôi toàn thắc mắc không biết liệu thật hư chuyện đó ra sao.

Nói gì thì nói, đó chắc chắn là Phòng Biệt Lập của cố nhà văn Byakuya Yukishiro. Tôi phải đến đó thăm quan mới được. 

“Tiếc là căn phòng đó có người đến trọ rồi, nên là chị không dẫn em tới đó được,” Chị Shihai biện hộ, “Đã có người đặt trọ phòng đó trước rồi.”

A, tiếc thật. Tình cờ thay, căn phòng đó cũng liên thông bằng một đoạn hành lang, tức muốn đến đó phải băng qua tòa nhà phía tây trước.

_______________________________________________________________________

Ghi chú

[Lên trên]
Gốc ở đây là: Theo bên tư pháp, để xét xử vụ án thì không thể bỏ qua tính bất khả thi của vụ án mạng. Mình đã bẻ nghĩa để dễ hiểu hơn, nếu bản dịch không phù hợp thì mình sẽ thay.
Gốc ở đây là: Theo bên tư pháp, để xét xử vụ án thì không thể bỏ qua tính bất khả thi của vụ án mạng. Mình đã bẻ nghĩa để dễ hiểu hơn, nếu bản dịch không phù hợp thì mình sẽ thay.
Bình luận (2)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

2 Bình luận

AI MASTER
nhớ rất rõ đoạn 23:)
Xem thêm
🔥🔥🔥
Xem thêm