Trời xanh thẳm, không gian mát mẻ bao phủ thôn Nguyệt Nha – hay còn được biết đến với cái tên vùng răng sói. Cái tên độc đáo này xuất phát từ những dãy núi xung quanh thôn, hầu hết đều có hình dạng cong vút và nhọn hoắt, tựa như những chiếc nanh sắc của loài thú dữ. Nơi đây không chỉ là chốn an cư của hơn hai trăm nhân khẩu, mà còn là mái nhà chung của hàng trăm loài động vật hoang dã. Người đi qua vùng đất này đôi khi bắt gặp cả những loài hiếm có. Ban ngày, tiếng hổ gầm rền vang giữa núi rừng, còn đêm về, sói tru rợn người dưới ánh trăng khuyết. Vì vậy, cái tên Nguyệt Nha ra đời, mang vẻ hoang sơ nhưng đầy sức sống.
Hôm ấy, tiết trời đẹp đến lạ thường. Đám trẻ con trong thôn tụ tập quanh cây liễu già đầu làng, vui đùa với quả cầu mây mới toanh do cha của một thằng bé vừa làm xong. Tiếng cười nói rộn rã, tiếng chân chạy nhảy thoăn thoắt trên nền đất xanh mượt. Quả cầu bay qua bay lại giữa đám trẻ, chẳng phân biệt trai hay gái. Niềm vui trong trẻo của chúng khiến cả những người lớn đi ngang cũng phải ngoái lại, nở nụ cười hài lòng.
Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Một cú đá mạnh quá đà khiến quả cầu bay vọt khỏi vòng chơi, lăn xa đến chân một người lạ. Đứa trẻ lỡ chân lập tức chạy theo nhặt, nhưng khi tới nơi, nó sững người trước chủ nhân của đôi giày rơm cũ. Nụ cười tươi rói trên gương mặt nó bỗng tắt lịm, thay bằng nét hoang mang. Những đứa trẻ khác cũng cùng biểu cảm, ánh mắt lấm lét nhìn nhau đầy lo sợ. Ngay cả A Đẩu – thằng bé to khỏe và gan dạ nhất đám, nổi tiếng với cái đầu ba chỏm tóc và vẻ mặt bặm trợn – cũng im bặt, nhìn như thể vừa chạm mặt ôn thần.
Trước ánh nhìn sợ sệt của cả bọn, người lạ cúi xuống nhặt quả cầu mây. Đó là một cô bé khoảng chín, mười tuổi, gương mặt xinh đẹp lạ thường, nước da trắng ngần, đặc biệt mái tóc bạc như cước buộc gọn sau đầu càng khiến cô trở nên khác biệt. Đôi mắt xanh biếc như bầu trời lấp lánh ánh nhìn xa lạ khi cô quay sang đám trẻ.
Đám nhóc không ai dám bước tới. Chúng đồng loạt quay nhìn A Đẩu, như muốn đẩy cậu vào vai người hùng bất đắc dĩ. Dù trong lòng run sợ, A Đẩu vẫn cứng giọng:
“Sợ cái gì mà sợ! Chỉ là một con nhóc thôi!”
Nói rồi, nó hất cằm gọi thêm Tiểu Đản và A Mâu đi cùng. Hai đứa trẻ miễn cưỡng bước theo, lòng đầy lo lắng.
Khi đứng trước cô bé, A Đẩu nhận ra mình chẳng cao hơn là bao, thậm chí còn thấp hơn cô nửa cái đầu. Nó đảo mắt liên tục, lúng túng chẳng nói nên lời. Bất ngờ, cô bé ném quả cầu mây lại. A Đẩu cuống cuồng chộp lấy, loạng choạng ngã ngửa ra sau, khiến cả đám trẻ phá lên cười.
Cô bé mỉm cười nhạt, rồi quay người bỏ đi, để lại sau lưng những tiếng thì thầm xen lẫn sợ hãi.
“Cô ấy đáng sợ quá…”
“Tóc trắng như quỷ dạ xoa…”
“Mẹ tui bảo người bị quỷ ám thường trông khác lạ thế đấy.”
A Đẩu nghe vậy thì tức tối quát lớn:
“Ma quỷ cái khỉ khô gì! Chỉ là đứa con gái khác thường thôi! Nếu nó quay lại, bổn đại nhân sẽ cho nó biết thế nào là lễ độ!”
Mặc dù chẳng ai tin lời khoác lác của A Đẩu, nhưng cũng không đứa nào dám phản bác.
“Cậu ta tên gì nhỉ?” một đứa cất tiếng.
“Không rõ. Nhưng mọi người trong thôn hay gọi cô ấy là… Tiểu Bạch.”
-0-0-0-0-
Sự đời lắm khi oái oăm.
Những điều người ta tưởng không bao giờ xảy ra lại thường ập đến theo cách bất ngờ nhất. Cuộc sống của Tiểu Bạch cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Cô bé vốn không phải người của thế giới này, mà là một linh hồn lạc bước từ nơi khác đến. Nếu hỏi lý do tại sao, ngay cả cô cũng không rõ. Linh hồn ấy là Thảo – một người từng sống ở thế giới hiện đại, nhưng bằng cách nào đó, lại tái sinh trong hình hài của một bé gái giữa một thời đại phong kiến.
Thảo còn nhớ rất rõ khoảnh khắc đầu tiên trong cơ thể mới: cơ thể nhỏ bé của mình bị cuốn trôi trên dòng nước xiết giữa một trận mưa bão. Gió rít từng cơn, hạt mưa nặng trịch xối xả vào da thịt. Chỉ đến khi một người đàn ông trung niên vớt lấy và đưa về nhà, anh mới được cứu thoát khỏi lằn ranh giữa sự sống và cái chết.
Đó là người cha nuôi mà Thảo mang ơn suốt đời. Nếu không có ông, hẳn anh đã sớm kết thúc kiếp này. Nhưng sự sống lại cũng mang theo vô vàn khó khăn.
Thảo không ngờ việc trở lại làm trẻ con lại phiền toái đến vậy. Cảm giác hoàn toàn ý thức được mà không kiểm soát nổi hệ bài tiết quả là cơn ác mộng. Đã vậy, trẻ nhỏ còn kén ăn và khó chiều, khiến Thảo không ít lần cảm thấy bất lực. Nhưng tất cả những phiền muộn ấy chẳng đáng là bao so với sự thay đổi lớn nhất – anh giờ đây là một bé gái.
Việc phải thích nghi với thân thể nữ giới mang lại muôn vàn bỡ ngỡ. Từ việc vệ sinh cá nhân, chăm sóc cơ thể, cho đến những thay đổi sinh lý, tất cả đều đòi hỏi sự điều chỉnh liên tục. Và trong một thời đại mà y học chủ yếu dựa vào kinh nghiệm dân gian, mọi thứ càng trở nên khó khăn hơn.
May mắn thay, cha nuôi của Thảo là một thầy thuốc giỏi và tận tâm. Dưới sự chăm sóc của ông, Thảo đã lớn lên khỏe mạnh và bình an. Không chỉ vậy, cô bé còn học được cách phân biệt dược liệu, bắt mạch, và bốc thuốc từ cha. Cộng thêm kinh nghiệm sống từ kiếp trước và trí tuệ trưởng thành, việc học tập của Thảo tiến bộ rất nhanh, dù lúc đầu gặp không ít khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ.
Tuy nhiên, hòa nhập với cộng đồng lại là một câu chuyện khác. Ngoại hình khác biệt – làn da trắng bệch, mái tóc bạc như cước – khiến cô bé trở thành đối tượng của những ánh mắt kỳ thị. Người lớn dè chừng, trẻ con xa lánh. Chỉ cần nhìn thái độ của họ, Thảo thừa hiểu mình không thuộc về nơi này.
Bước đi trên con đường, mọi sự đang diễn ra tấp nập, các hàng quán bầy biện ngoài đường, những hàng ăn, quán thịt, sạp rau củ bày biện đầy đường với những tiếng hô tiếng gọi mua bán tấp nập, người dân đi đường trò chuyện, các lão nhân, trung niên ngồi chè chén kể sự cho nhau nghe mọi sự trên trời dưới đất.
Thảo ngắm nhìn mọi thứ một cách thích mắt, dù có đi qua nơi này không ít lần nhưng cái tật ngó nghiêng từ kiếp trước cho tới tận bây giờ sao vẫn chẳng bỏ được. Mặc cho những ánh mắt dị nghị cùng những lời ra tiếng vào từ người qua đường nhưng Thảo cũng mặc, chẳng quan tâm làm gì, dù sao việc này xảy ra thường xuyên khi Thảo xuống thôn này rồi nên thành ra là cũng mặc nhiên trước thị phi thiên hạ.
Lang thang một hồi, Thảo dừng chân trước một ngôi nhà lớn. Ngôi nhà có kiến trúc đậm chất Trung Hoa cổ: mái ngói cong vút, sơn trắng nổi bật với hai cột gỗ lớn chạm trổ hoa văn. Trên cổng là một tấm biển đề hai chữ "Hiệu Thuốc". Nhưng phần lớn người trong làng tìm đến tiệm này đều qua lời chỉ dẫn của người khác, bởi phần lớn dân làng đều không biết chữ.
"Đến cả mình cũng chỉ đọc được vài chữ lẻ tẻ..." Thảo thầm nghĩ.
Ngôn ngữ ở nơi này là dạng chữ tượng hình phức tạp. Chỉ nhìn thôi đã thấy rối mắt, học lại càng khó hơn. Một chữ có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau tùy vào ngữ cảnh, khiến việc học chữ của Thảo trở nên chật vật.
Thảo bước vào trong tiệm. Không gian bên trong rộng rãi, thoáng mát và sạch sẽ. Phía sau quầy là một tủ thuốc lớn với hàng chục ngăn, mỗi ngăn được ghi rõ tên dược liệu. Quầy gỗ phía trước là nơi ông chủ tiệm – một người đàn ông khoảng ngoài bốn mươi, tóc đã điểm bạc – đang tựa tay đọc sách. Dáng vẻ thư thái của ông cho thấy tiệm lúc này không có khách. Mãi đến khi Thảo lên tiếng, ông mới ngẩng đầu nhìn và bật cười rạng rỡ:
"Ồ, Tiểu Bạch! Hôm nay lại thay cha đem thuốc đến à? Đi đường có mệt không?"
Thảo mỉm cười lễ phép:
"Dạ không ông ạ. Cha con bảo đem thuốc đến sớm để ông khỏi mong. Ông cũng nhớ giữ gìn sức khỏe sau chuyến đi xa ạ."
Ông chủ tiệm gật đầu, nét mặt lộ vẻ hài lòng:
"Ngoan lắm. Mấy hôm nay ta lên phố An Dương lo việc, định ghé thăm cha con nhưng lại bận việc nhà chưa đi được."
"Dạ, con sẽ chuyển lời thăm hỏi của ông đến cha.
Mình ở đây nào có khác gì phá quán người ta, thôi cứ bán buôn cho nhanh cho lẹ rồi về nhà cho mau.
-Dạ thưa ông con xin không dám làm phiền. Đường xá xa xôi không thể chậm trễ, con còn phải về nhà sớm lo cơm nước cho cha.
Ông chủ tiệm thấy thế nét mặt cũng hơi lấy làm tiếc, gia đình vốn chỉ có hai vợ chồng già, nhà độc nhất có cậu con trai thì lại đi làm ăn xa độ tháng về hai ba lần. Nhà thiếu người thành ra cũng thấy buồn, mà Bạch lại là đứa khéo ăn khéo nói, rất được lòng ông bà nên thành ra cũng quý như con cháu trong nhà, dù bạn đầu ông cũng khá dị nghị về ngoại hình, nhưng dần dà thành quen, bây giờ cứ hễ mỗi
Tuy vậy, một số ít không thể thay đổi được phần đông, sự yêu quý của gia đình nhà chủ tiệm thuốc Thảo cũng biết cũng lấy làm vui lắm nhưng linh tính lẫn kinh nghiệm mách bảo bản thân không nên dây dưa làm gì để gây thiệt thòi cho người ta.
Thảo nở nụ cười rồi bàn giao chỗ dược liệu đã được chế biến sẵn giao cho ông chủ tiệm, mỗi cây tính giá mười lăm đồng. Tổng cộng hết toàn bộ chỗ dược liệu lại được hai bạc năm mươi đồng, nhiêu đây tiền để giúp hai cha con họ sống được hai tuần rồi.Mà ông chủ tiệm thuốc vốn quý Thảo nên trước khi đi bèn tặng cho hai cái bánh đặt vào trong giỏ.
Ở thế giới này tiền được chia làm ba loại là tiền đồng, bạc và vàng, một trăm đồng đổi thành một bạc, hai mươi lăm bạc đổi một vàng. Trong đó đồng và bạc là hai loại chính được sử dụng nhiều nhất.
Trên đường về, Thảo nghĩ ngợi. Thời đại này, tiền bạc là thứ vô cùng quý giá. Một trăm đồng đổi được một bạc, hai mươi lăm bạc đổi thành một lượng vàng. Nhưng cuộc sống của cô không chỉ xoay quanh những đồng bạc lẻ. Đằng sau sự chật vật là những niềm hy vọng mơ hồ – hy vọng một ngày nào đó, cô sẽ hiểu được vì sao mình có mặt ở đây, và liệu có cơ hội nào để trở về thế giới cũ.
Còn bây giờ, Thảo chỉ biết bước tiếp, từng ngày một, trong thế giới xa lạ nhưng cũng đầy thú vị này.
0 Bình luận