Ngục Thánh
Get Backer
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Quyển 4 - Bài ca cánh đen

Dao găm - Chương 13: Ngày trả nợ

3 Bình luận - Độ dài: 5,577 từ - Cập nhật:

Bên trong Tàn Tích Lớn có nhiều cái bẫy tự nhiên ẩn dưới lớp tuyết hoặc bề mặt kiến trúc mỏng, gọi là "hố nước". Ai lỡ sa chân vào sẽ bị nước xoáy mạnh lôi tuột đi. Nước rút, tuyết sụt đổ ập lên người gặp nạn khiến họ không thể cựa quậy và cũng không ai có thể kéo họ ra. Nước từ mạch ngầm tiếp tục tràn đến, xoáy thêm nhiều lần trước khi nhấn chìm nạn nhân xuống những dòng chảy bên dưới vùng tàn tích. Giới khoa học nói cấu tạo địa hình ở đây đặc biệt nên sinh ra hố nước xoáy. Đám "cạy nắp" lại tin rằng hàng vạn người chết của Vương Quốc Cũ lẩn quất trong nước hòng kéo người sống nhập bọn.

Nhưng dù là hiện tượng vật lý hay ma mãnh thì người lọt hố nước thường khó sống sót. Như anh chàng mà Vô Phong đang cứu giúp là ví dụ. Quá nửa thân thể gã này ngập lút trong tuyết, mặt mũi cứng đờ vì lạnh, sức lực hầu như cạn kiệt. Anh ta là một nghiên cứu sinh người Hoa Thổ và đi theo đoàn khảo cổ tới Vương Quốc Cũ để viết tài liệu thực địa. Nhiệt tình, hăng hái nhưng ít kinh nghiệm, anh chàng không để ý những dấu hiệu biến đổi trên mặt tuyết và tự sa chân vào hố nước. Đám khảo cổ hợp lực cứu anh ta còn ông trưởng đoàn chạy đi tìm người hỗ trợ, may mắn sao gặp được bọn Vô Phong. Tên tóc đỏ, Mai Hoa cùng gã cốt đột Mông Nhão liền tới chỗ người gặp nạn.

Ở Tàn Tích Lớn, giúp đỡ người khác đồng nghĩa với trả phí chứ chẳng ai phí sức không công. Vô Phong cũng vậy. Hắn muốn nhân dịp này làm thân với đám khảo cổ, tiện thể tra hỏi thông tin vùng Tàn Tích Lớn. Bởi lẽ trong nhóm của hắn không có người nào hiểu biết ngành khảo cổ, cả đám vốn không nghĩ cuộc hành trình dẫn đi xa đến thế.

Nhưng sự thể khó nhằn hơn Vô Phong tưởng. Lúc này, hắn và hai người nữa hò nhau kéo gã nghiên cứu sinh mà không nổi. Tuyết lèn quá chặt, cánh tay nạn nhân căng ra như sợi dây thừng bị kéo hai đầu. Anh chàng nghiên cứu sinh giàn giụa nước mắt, thở không ra hơi:

-Xin đừng kéo nữa... hãy để tôi lại... đau quá...

Nghe vậy, bọn Vô Phong buộc phải tạm dừng. Họ sợ chưa cứu được mà nạn nhân đã gãy xương. Có người đề xuất đào tuyết nhưng bất khả thi, bởi vì không ai biết vị trí các mạch nước ngầm, nhỡ sơ sảy đụng vào sẽ làm tuyết lở và khiến nước chảy mạnh hơn. Gã Mông Nhão khuyên sử dụng dây kéo hoặc dây móc cố định vào anh chàng nọ, chờ nước rút tuyết sụt thêm lượt nữa thì kéo lên; phiền nỗi hố nước xoáy rất mạnh, áp lực dư sức vặn gãy xương người, nguy hiểm vô cùng. Mọi người bàn bạc tranh cãi hồi lâu, sau rốt ông trưởng đoàn khảo cổ lắc đầu:

-Đành vậy, không còn cách nào cả. Chúng tôi không thể để cậu ấy chết. Nếu cậu ấy còn sống, các anh muốn bao nhiêu, tôi sẽ trả!

Đám Vô Phong nhìn nhau rồi làm theo lời ông trưởng đoàn khảo cổ. Họ cho gã nghiên cứu sinh uống thuốc giữ thân nhiệt, đeo đai bảo hộ quanh người anh ta, luồn nhiều dây kéo vào những khoen mấu trên đai rồi cố định chúng vào các điểm vững chắc. Ít phút sau, sáu chiếc dây kéo dãn căng trên mặt tuyết và chụm đầu vào tâm điểm là anh chàng nghiên cứu sinh. Nom anh ta như con nhện bậu ở chính giữa lưới tơ của mình, chỉ khác chăng là con nhện này vừa run cầm cập vừa sắp chết đuối. Sáu dây kéo đều có khả năng đàn hồi tốt, chúng sẽ giảm bớt áp lực lên nạn nhân. Mông Nhão am hiểu nhất thứ dụng cụ này; sắp đặt xong xuôi, gã chỉ đạo mọi người:

-Hai người giữ một dây! Khi nào nước xoáy thì nới tay, không quá lỏng nhưng không quá chặt! Hiểu chưa? Tôi nhắc lại, không quá lỏng nhưng cũng không quá chặt, chỉ cần giữ anh ta không bị ngộp nước!

Rồi bọn Vô Phong cùng nhóm khảo cổ, tổng cộng mười bốn người chia nhau giữ dây kéo. Vô Phong chung dây với một cô gái thuộc đoàn khảo cổ. Hết thảy im lặng chờ đợi hố nước xoáy đợt kế tiếp, những đoạn dây trong tay căng cứng và rung lắc như chính tâm trí họ. Một chút sơ sảy sẽ đẩy anh chàng nghiên cứu sinh, thậm chí vài người khác xuống hố nước chết chóc. Lúc này chỉ còn tiếng tuyết rơi lích tích từ mái trần cổ xưa lẫn tiếng thở khàn khứ của cổ họng anh chàng nghiên cứu sinh. Đám người cứu giúp vẫn im lặng. Họ chờ đợi và kiên nhẫn chờ đợi.

Hai mươi phút trôi đi, thân nhiệt anh chàng nghiên cứu sinh giảm dần, mi mắt đọng tuyết, môi tím bầm thở đầy khói. Bọn Vô Phong kẻ thì cựa quậy sốt ruột, người thì gục đầu buồn ngủ. Cái lạnh khiến tất cả bải hoải. Giữa lúc đó, vài thanh âm trầm bên dưới lòng tuyết vọng lên. Ông trưởng đoàn khảo cổ hét:

-Dậy! Dậy mau! Hố nước đấy!

Cả đám chưa hết giật mình vì tiếng hét, thanh âm trầm đục nọ đã nổ bùng như quả bom nổ giữa lòng biển. Xung quanh anh chàng nghiên cứu sinh, tuyết sụt rào rào trong bán kính hai mét lộ ra một khối nước xoáy ùng ục lôi tuột anh ta. Mười bốn người lập tức bị kéo theo, mặt tuyết dưới chân họ đang trốc lở thành nền dốc. Cô gái phía trước Vô Phong lao đi như xe mất phanh, chút nữa đâm đầu xuống hố nước nếu không được tên tóc đỏ nhanh tay túm cổ áo. Đám cứu hộ vất vả lo cứu nhau còn nạn nhân bên hố nước đã chìm nghỉm, dây kéo xoắn lại như thể bị cuốn vào một trục xoay vô hình. Gã Mông Nhão gào lớn:

-Kéo nhanh lên! Ngay bây giờ!

Mọi người ổn định vị trí rồi cùng nhau kéo. Sức nước khủng khiếp hơn Vô Phong tưởng. Nó ngốn ngấu nạn nhân bằng cái hàm răng đầy bọt trắng ởn sôi sùng sục. Dây kéo căng dãn hết mức, mỏng dẹt và cứng như dây thép nghiến vào tay hắn. Mặc dù đã đeo găng chuyên dụng nhưng Vô Phong cảm nhận rõ bàn tay mình đang tấy đỏ, nóng rát rạt. Dưới hố, gã nghiên cứu sinh chỉ còn hiện diện bằng một bàn tay chấp chới trên dòng nước dữ. Bọn Vô Phong không bỏ cuộc, họ nằm ngửa trên tuyết, vừa đạp tuyết trườn lên vừa hò nhau kéo dây.

Sau nhiều nỗ lực của đám cứu hộ, gã nghiên cứu sinh trồi lên. Anh ta hớp hơi thở dốc, ho sù sụ rồi nôn ọe một đống nước, tóc tai ướt nhẹp. Chậm hơn một chút nữa, buồng phổi gã này đã úng ngập. Nhưng hố nước xoáy mạnh hơn như thể không muốn con mồi vuột khỏi mõm. Sức nước dìm xuống, dây kéo lôi lên, gã nghiên cứu sinh kẹt ở giữa, đai bảo hộ thít chặt vào người tưởng sắp bóp nát tim phổi. Gã cốt đột Mông Nhão nói liên hồi:

-Thả lỏng ra! Đừng kéo nữa! Thả lỏng ra! Không để cậu ta chìm xuống là được! Cố gắng đợi nước rút!

Mọi người làm theo gã cốt đột, cố gắng duy trì trạng thái hiện tại thay vì đua sức bền với hố nước. Đợi khi nào nạn nhân chìm nghỉm, họ mới hò nhau kéo lên để anh ta có khí thở. Đám người đánh vật với thiên nhiên suốt năm phút đồng hồ, cảm giác như năm thế kỷ. Nhưng hố nước chưa chịu ngưng mà các đinh chốt giữ dây kéo lung lay tận gốc, xem chừng chẳng thể giữ lâu hơn. Rồi chuyện gì đến cũng phải đến: đinh chốt đầu tiên bật gốc, sức nặng dồn lên tay những người giữ dây kéo. Đinh thứ hai, đinh thứ ba, đinh thứ tư... từng chiếc từng chiếc bung khỏi vị trí, sáu chiếc dây kéo trở thành gánh nặng lôi bọn Vô Phong xuống. Nền tuyết dưới chân họ sắp trở thành cái phễu nuốt chửng tất cả mọi người. Vô Phong hét:

-Thả dây mau! Thả ra mau! Ai không giữ được thì thả ra!

Trước cái hố sùng sục tiếng nước réo, nhiều người lần lượt buông dây. Sau cùng chỉ còn Vô Phong, Mông Nhão cùng hai người đoàn khảo cổ giữ vững vị trí. Gã bốn mắt Mai Hoa mạo hiểm lại gần miệng hố để quan sát tình hình. Gã nhận ra nước đang rút nhưng sức xoáy gia tăng gấp bội, còn anh chàng nghiên cứu sinh như con côn trùng sắp bị phanh thây. Gã nói:

-Sắp được rồi! Cố gắng thêm chút nữa...

Cái "chút nữa" của Mai Hoa bị cắt ngang bởi hai âm thanh đanh sắc. Hai chiếc đinh tán giữ dây kéo vừa bật tung. Sức nặng của nạn nhân, sức nước xoáy cộng thêm nền tuyết dốc đẩy đám Vô Phong xuống sâu hơn. Đám Mông Nhão đành buông tay vì chịu không nổi. Chỉ còn lại Vô Phong và cô gái đoàn khảo cổ, họ nghiến răng nghiến lợi giằng co miếng mồi trong miệng con quái vật nước. Phía sau họ, đoàn người lại kéo dây trợ lực, gồng hết sức mà chiến đấu. Cả một vùng trong Tàn Tích Lớn ầm ầm tiếng nước chảy.

Cuối cùng, hố nước cũng chịu nhả gã nghiên cứu sinh. Nhưng nó chưa chịu thua con người. Nó rời đi và gây dư chấn vào lòng tuyết vốn đã bị đào xới bởi mạch nước ngầm. Tuyết xung quanh miệng hố lại sụt thêm lần nữa rồi lở rào rào như thác đổ. Nhiều người bị phân tâm, nửa muốn chạy lên nửa muốn ở lại cứu nạn nhân. Ngay cả gã Mông Nhão cũng muốn buông xuôi. Giữa tình cảnh ấy, tên tóc đỏ gầm lên:

-MẤY NGƯỜI Ở NGUYÊN ĐÓ!

Mặt mày Vô Phong rúm ró như con ác quỷ tóc đỏ đương sôi máu. Mọi người cả sợ, bèn trở lại công việc hợp lực cứu nạn nhân. Họ vội vã kéo dây trong khi mặt tuyết đang run rẩy từng đợt. Vừa thấy chỏm đầu gã nghiên cứu sinh, tên tóc đỏ vội vàng nhào tới kéo anh ta trở lên. Trong khoảnh khắc, hắn ngó xuống miệng hố và trông thấy hàng chục cánh tay người mờ ảo dưới những bọt nước sôi sủi. Hắn không chắc đó là hồn ma Vương Quốc Cũ hay nhìn gà hóa cuốc.

Nhưng không còn nhiều thời gian để Vô Phong đoán già đoán non nữa. Hắn vác chàng nghiên cứu sinh lên vai rồi cùng mọi người tháo chạy trước khi mặt tuyết sập thành một lòng chảo sâu và rộng với đường kính khoảng sáu mét. Họ vừa thoát khỏi bàn tay Tử Thần trong gang tấc. Ai nấy thở phào khi nhận ra mình còn sống, tất cả đổ vật ra tuyết mà thở, mà vùi mặt xuống tuyết, mà chắp tay tạ ơn Vạn Thế.

Một ngày ở Tàn Tích Lớn kết thúc như thế.

...

Tối cùng ngày, nhóm Vô Phong nhập hội với đoàn khảo cổ. Họ quây quanh đống lửa, chia sẻ cho nhau đồ hộp, thức ăn vặt, nước uống. Giữa nơi hoang vu đầy rẫy những truyền thuyết ghê rợn về Vương Quốc Cũ, họ trò chuyện, trao đổi vài thông tin hữu ích hoặc đơn giản là kể chuyện phiếm. Đâu đấy còn vọng tiếng cười đùa. Con người là vậy. Chỉ cần hơi lửa nóng, đồ ăn, vài câu chuyện phiếm và tiếng cười thì họ chẳng còn quan tâm ngoại cảnh, dẫu là hơi nóng khủng khiếp của sa mạc Hồi Đằng hay bóng tối khổng lồ rùng rợn của Vương Quốc Cũ. Thế giới rộng lớn, nhưng duy nhất loài người cảm nhận được sự rộng lớn đó và cũng duy nhất loài người có thể quên nó mà tồn tại.

-"Thế giới rộng lớn nhưng chỉ con người mới biết điều ấy". Chà, cậu nghe thế bao giờ chưa, chàng trai? – Ông trưởng đoàn khảo cổ cười khề khà với Vô Phong – Cậu đã đi đủ xa để biết mình nhỏ bé thế nào giữa Tâm Mộng chưa? Tôi thì rồi. Cứ hai năm một lần, tôi lại đến Vương Quốc Cũ và lần nào cũng khám phá ra điều mới lạ. Từ lúc bốn mươi tuổi tôi đã đến nơi này, tới giờ là gần ba mươi năm rồi. Tôi là nhà khảo cổ người Giáp Tây quốc. À, cậu không biết đất nước này? Cũng phải thôi, đất nước chúng tôi ở phía nam lục địa Băng Thổ, ít tham gia chiến tranh. Chúng tôi cũng không thuộc Liên Minh Phương Bắc, mà là thành viên Khối Ngũ Giác. Tên tôi? Cậu có thể gọi tôi là Pháp Lãi.

Ông chuyên gia khảo cổ bắt tay Vô Phong, sau cùng hắn uống vài chén rượu làm ấm người. Giống các khoa học gia hay những con người dành trọn tâm huyết cho nghiên cứu, Pháp Lãi kể rất nhiều về Vương Quốc Cũ. Cả cuộc đời ông ta dành cho miền đất hoang vu này với phiến đá cổ, kiến trúc xa xưa hay dòng sông băng chảy qua các cánh rừng. Gia đình, người thân, thời tuổi trẻ... hầu như không xuất hiện trong câu chuyện của Pháp Lãi, nếu có thì cũng liên quan đến Vương Quốc Cũ. Người khác dĩ nhiên chẳng rảnh hơi nghe Pháp Lãi kể lể, nhưng Vô Phong thì khác. Tên tóc đỏ chẳng biết cái gì là "đo đạc chấn động", "tính tuổi vùng đất dựa vào kết cấu trầm tích", nhưng hắn chịu nghe người khác. Từ trước tới giờ hắn vẫn thích nghe mọi người kể chuyện.

Qua nhiều vòng vèo quanh co của ngôn từ lời lẽ, câu chuyện giữa hai người trở lại chuyện hố nước ban chiều. Pháp Lãi muốn trả ơn bằng tiền bạc lẫn cổ vật. Tuy mang ít tiền mặt nhưng ông ta lại sở hữu không ít cổ vật, mỗi thứ trị giá hàng chục, thậm chí hàng trăm thùng vàng. Nhưng tên tóc đỏ chẳng tham tiền. Thứ mà hắn cần là một tấm bản đồ hoặc sơ đồ chỉ dẫn đường đi lối lại trong khu vực tàn tích. Vô Phong vừa đưa ra đề nghị này, Pháp Lãi lập tức rúm người trong nghi ngờ. Với dân khảo cổ, tấm bản đồ quan trọng hơn mọi di vật hay kho báu. Nó cũng là vật bị giành giật nhiều nhất ở Vương Quốc Cũ.

-Tôi không nghi ngờ cậu. Nếu là bọn "cạy nắp" hay kẻ cơ hội, cậu đã không giúp chúng tôi, càng không mạo hiểm để cứu anh bạn trẻ này. – Pháp Lãi hất hàm về phía gã nghiên cứu sinh đang mê man trong túi ngủ – Nhưng những người khác trong nhóm của cậu thì sao? Có vẻ cậu và bọn họ hợp tác ngắn hạn? Tôi sợ bọn họ sẽ lợi dụng bản đồ để trục lợi. Cậu biết tại sao hố nước xuất hiện ở đây không? Không phải hồn ma đâu, mà vì bọn "cạy nắp" đào quá sâu và vơ vét quá nhiều, làm gãy hỏng kết cấu kiến trúc và các tầng tuyết. Tôi yêu Vương Quốc Cũ, anh bạn, dù nó xấu xí và ghê gớm như bà vợ khó tính thích quát tháo ưa cằn nhằn. Tôi không muốn thấy Tàn Tích Lớn sụp đổ.

Vì lý do trên, nên Pháp Lãi viết nhiều sách về Vương Quốc Cũ nhưng không công bố bất cứ chi tiết nào về bản đồ. Biết ông chuyên gia có lý lẽ của riêng mình, Vô Phong không phản đối mà ôn tồn:

-Tôi hiểu. Tôi có thể đảm bảo với ông rằng chỉ mình tôi và Đốc Lãm biết chi tiết bản đồ. Chúng tôi đang đi tìm thứ khác, không phải kho báu hay cổ vật...

Bằng cái giọng từ tốn, Vô Phong cố gắng thuyết phục ông chuyên gia. Đắn đo so đếm một hồi, Pháp Lãi đồng ý. Dưới ánh lửa chập chờn, hai người họ châu đầu xem tấm bản đồ do chính Pháp Lãi vẽ nên – thành quả sau ba mươi năm lăn lộn chốn khỉ ho cò gáy đầy mùi nguyền rủa này. Bản đồ cho thấy Tàn Tích Lớn lắm nhiều điều lạ lùng hơn người ta nghĩ. Chẳng hạn tòa sảnh cung điện nằm dưới đáy tàn tích, quanh năm chìm dưới nước và chỉ xuất hiện một lần vào mùa thu. Hay như hệ thống đường sá cổ xưa vẫn còn nguyên vẹn tại phía đông. Còn tận cùng phía bắc tàn tích là một con đập nằm trên vách núi. Pháp Lãi hào hứng kể:

-Thuở đó, người phương bắc chưa biết xây đập nước. Chính người phương tây đã dựng nên con đập đầu tiên ở Băng Thổ. Họ dẫn nước về kinh đô, từ đấy xây lên Vương Quốc Thịnh Vượng. Khi con đập hỏng, nước tràn xuống, kinh đô bị nhấn chìm và trở thành Tàn Tích Lớn...

Cuộc nói chuyện cứ thế kéo dài đến nửa đêm. Mọi người lần lượt ngả lưng và để tiếng lửa tí tách ru mình vào giấc ngủ. Chỉ còn Vô Phong thức. Hắn đọc tấm bản đồ, mong chờ trực giác chỉ ra một điểm nào đấy đang cất giữ di cốt Biệt Liên Đa Xuyến. Theo ông chuyên gia khảo cổ, tòa sảnh cung điện là nơi quan trọng nhất khu tàn tích đồng thời nhiều ý nghĩa nhất, hẳn là nơi thích hợp để Mục Du Cổ chôn cất mẹ mình. Nơi đó cũng được tự nhiên bảo vệ và rất khó xâm phạm. Chỉ phiền rằng "thủy" không phải nguyên tố tốt đẹp trong tâm thức người phương bắc. Nhưng tên tóc đỏ không thể tìm ra câu trả lời hợp lý hơn.

Nương nhờ trực giác không xong, Vô Phong bèn cầu viện người quen. Hắn soạn một bức thư điện tử gửi Đa Lạt, hy vọng ông học giả cung cấp thông tin giá trị về Mục Du Cổ. Vì không có sóng nên hắn phải sử dụng chiếc máy phát cổ lỗ sĩ mua từ trại gia súc. Gửi một thư điện tử mà chiếc máy kêu rè rè như lên cơn viêm phế quản, Vô Phong chờ đợi phát bực. Trong lúc ấy, gã nghiên cứu sinh đằng góc chợt cựa quậy sau nửa ngày bất tỉnh. Anh ta ngó quanh quất bằng gương mặt tái xanh cùng đôi mắt vàng ệch đoạn cất lời, vừa nói vừa sù sụ:

-Tôi... khục... tôi đang ở đâu...?

-Anh bạn được cứu. – Vô Phong đáp – Đây là mặt đất, không phải Tụ Hồn Hải. Anh bạn vẫn sống. Đừng cử động, anh bạn đã gãy xương vài chỗ, mấy chỗ khác cũng nứt nhiều đấy! Đừng làm mấy ông bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình thêm đau đầu. Nhé?!

Gã nghiên cứu sinh ho thêm chặp nữa. Không mất quá nhiều thời gian để anh ta hình dung sự việc ở hố nước, dù suốt thời gian đó tâm trí anh chàng đã ủng sùng sũng. Tay nghiên cứu sinh cất lời:

-Cảm ơn anh...

-Cảm ơn ông ta ấy! – Vô Phong ngoảnh về ông chuyên gia khảo cổ – Chính ông ta gọi bọn tôi đến và không bỏ cậu lại. Bọn này chỉ làm công ăn lương thôi!

Gã nghiên cứu sinh hơi gật đầu. Thân xác ê ẩm khiến anh ta khó cử động thoải mái:

-Nhưng dù sao, các anh đã cứu tôi. Tôi nhớ... chính anh đã kéo tôi ra khỏi hố nước... Cảm ơn. Tên tôi là Nhung Khuyển, nghiên cứu sinh người Lưu Vân quốc. Tôi có thể làm gì cho anh?

-Không cần. – Vô Phong lắc đầu – Ông giáo sư đã trả công cho tôi. Sáng mai, người ta sẽ đưa anh bạn về thành phố điều trị. Anh bạn hết việc ở đây rồi. Cũng đừng hỏi tên tôi. Chúng ta chỉ gặp nhau một lần trong đời và đây là chuyện bất đắc dĩ. Tôi là lính đánh thuê, hiểu chứ?

Dường như chẳng dè thái độ nhát gừng của Vô Phong, anh chàng nghiên cứu sinh im thít. Anh ta dường như suy nghĩ điều gì đó nhưng rồi lại chìm vào giấc ngủ. Giữa xứ hoang vu băng giá, người ta không từ chối một giấc ngủ ngon lành trong hơi lửa ấm và quên đi mọi chuyện đã xảy ra. Xứ lạnh lẽo chỉ cần mùa đông đã quá đủ, không cần thêm mấy món nợ giữa người với người. Vô Phong không ngại giúp đỡ nhưng đã chán việc người khác mang nợ mình.

...

Nhung Khuyển là một gã bướng bỉnh. Anh ta trẻ tuổi, nhiệt tình và liều lĩnh. Thay vì nghe lời mọi người quay lại thành phố, anh ta đòi ở lại để giúp mọi người và nhóm Vô Phong. "Tôi không thể đi lại nhưng tôi còn đầu óc. Tôi có kiến thức phân tích địa chất, tôi vẫn hữu dụng!" – Anh ta kiên quyết. Tên tóc đỏ nghe nói người Lưu Vân xưa nay gan lì nhưng tới mức phi lý như thế thì mới chứng kiến lần đầu. Giữa thế giới đầy nốt giáng của những người ghét gia ơn và ưa quỵt nợ, Nhung Khuyển như một nốt thăng lạc điệu. Nhưng Vô Phong không cảm kích mà trái lại cầu mong gã què quặt này không gây vướng víu thêm lần nữa. Hắn không thể diễn trò cứu người khác ngay trước mũi Tử Thần mãi.

Ba ngày kế tiếp, bọn Vô Phong vừa thăm dò địa chất vừa tham khảo bản đồ Tàn Tích Lớn. Họ làm việc ban ngày rồi quay lại điểm cắm trại lúc trời tối. Do phạm vi hoạt động tương tự nhau nên nhóm Vô Phong sát nhập với đoàn khảo cổ. Suốt thời gian đó, Vô Phong không để tâm gã Nhung Khuyển dù anh chàng rất mong muốn giúp đỡ.

Sang ngày thứ tư, bọn Vô Phong dự định đi sâu hơn xuống vùng tàn tích, điểm đến là tòa sảnh cung điện – một nơi ngập nước quanh năm trừ mùa thu. Mà bây giờ lại không phải là mùa thu ở Băng Thổ. Nhưng theo lời Pháp Lãi, đôi lúc nước sẽ rút. Phiền rằng ngay cả ông chuyên gia cũng không rõ nước rút khi nào và kéo dài trong bao lâu. Tên tóc đỏ không thể mạo hiểm đưa cả đoàn vào một nơi có xác suất sống sót thấp hơn tỉ lệ một gã đàn ông ghét nhìn ngực phụ nữ. Mấy ngày đó, Đa Lạt vẫn chưa gửi thư.

Ngày thứ năm, bọn Vô Phong gặp vấn đề lương thực. Họ không thể lưu lại khu tàn tích lâu hơn và phải tính số thức ăn để quay về trại gia súc. Hoặc đi xuống tòa sảnh ngập nước hoặc trở lại điểm xuất phát – Vô Phong suy tính. Sau rốt hắn đành làm cái việc đặng chẳng đừng là mang tài liệu hỏi ý kiến Nhung Khuyển. Gã nghiên cứu sinh cả mừng. Đọc số liệu thống kê và lẩm nhẩm tính toán một lúc, Nhung Khuyển nói:

-Tôi không nghĩ các anh nên xuống tòa sảnh. Nếu định tìm cổ vật thì nơi đó rất tuyệt! Nhưng nếu là tìm một thứ làm thay đổi địa chất thì không. Mọi người tin là tòa sảnh ư? Tôi không nghĩ thế! Tôi dám chắc nơi đó không phải nguồn gốc của sự thay đổi. Các dữ liệu cho thấy địa chất Tàn Tích Lớn thay đổi chủ yếu do mực nước, mà nguồn nước đổ vào đây xuất phát từ hệ thống đập trên vách núi.

Rồi anh chàng diễn giải bằng một mớ công thức đủ đè chết người. Lóp ngóp bò ra từ đống số má khoa học, tên tóc đỏ tóm gọn rằng đập nước là nơi đáng để đào xới. Nhưng hắn chưa đủ bằng chứng để tin Nhung Khuyển, một anh chàng nghiên cứu sinh chẳng có mấy tên tuổi so với giáo sư Đốc Lãm hay những người đầy kinh nghiệm khác.

Chiều cùng ngày, Vô Phong nhận được thư từ Đa Lạt. Ông học giả người Băng Hóa viết:

"Chào tóc đỏ. Tôi đã lục lại thông tin về Mục Du Cổ và tìm được vài thứ. Khi còn trẻ, ông ấy là kỹ sư xây dựng ở miền viễn bắc Băng Hóa. Ông ấy đã dựng nên giàn điều phối hải lưu ở Biển Băng Vụn – một trong Chín Biển Lớn của thế giới. Khi tới sinh sống tại Câu Nguyệt Thành ở Diệp quốc, Mục Du Cổ cũng xây một đập thủy điện và nhiều công trình khác ở đây. Đó là tất cả những gì tôi biết..."

Vô Phong ngẫm nghĩ. Con đập trên vách núi tạo ra Vương Quốc Thịnh Vương và cũng chính nó đặt dấu chấm hết cho vương quốc cổ xưa này. Hơn nửa thế kỷ trước, Vương Quốc Cũ đầy bóng tối dần tái sinh, các cánh rừng bớt nguy hiểm, đất đai khô ráo hơn và những ma thuật nguyền rủa dần biến mất. Tất cả đều do mực nước hạ thấp. Như tìm được câu trả lời, tên tóc đỏ quyết định tiến lên vùng bắc Tàn Tích Lớn.

Sáng hôm sau, bọn Vô Phong cùng ông chuyên gia khảo cổ khởi hành tới con đập. Người xưa đã xây dựng nhiều đường mòn, thang đá dẫn lên vách núi; tất cả còn nguyên vẹn nên đoàn người không gặp nhiều khó khăn. Hai giờ chiều, họ đã tiếp cận khu vực. Trước mắt Vô Phong lúc này là một khúc sông nông choẹt, nước chỉ ngập ngang đầu gối. Phía xa, tít về cuối dòng sông là bức tường thành đá lớn hình vòng cung, có các cột trụ phân chia thành năm cửa xả. Mỗi mặt cửa đều có ký tự cổ của văn hóa Vương Quốc Thịnh Vượng. Thuở trước, chỗ bọn Vô Phong đang đứng là đáy sông và nước ngập quá nửa tường thành. Còn bây giờ cả vùng đất là đất tuyết, rừng lá kim và đoạn sông cạn dòng.

-Ngày trước, tôi chưa từng tới đây bao giờ! Nhưng hình như... đúng là chỗ này rồi! – Đốc Lãm nhìn vào chiếc máy đo đạc – Hãy khẩn trương lên, trước khi trời tối!

Cả đám bắt đầu làm việc. Họ kiểm tra kĩ từng mảnh đất, từng đoạn sông hay bất cứ khoảnh rừng nào mang dấu hiệu bất thường. Ai cũng hăng hái nhiệt tình, bởi lẽ họ không muốn tốn thêm thời gian với Vương Quốc Cũ. Cái viễn cảnh về trại gia súc, sau đó quay lại đây khiến họ phát sợ.

Năm giờ chiều, khi mặt trời khuất hẳn sau rặng núi phía bắc, một người trong bọn đã tìm thấy một ngôi mộ gần bìa rừng và nằm cạnh bờ sông. Nó nằm ở góc khuất, phía sau những bụi cây thạch nam nở hoa tím um tùm. Chính tại đây, máy đo đạc bắt tín hiệu mạnh mẽ nhất. Đám Vô Phong liền tiến hành đào bới. Sau bốn mươi chín xẻng xúc đất, họ đã chạm tới một cái hòm nhỏ vuông vắn to bằng hai lòng bàn tay. Hòm không có khóa mà buộc chặt bằng bảy chiếc dây thừng. Thấy cái hòm, trừ Vô Phong và Mai Hoa, cả đám người phương bắc vội dạt ra, gương mặt vừa sợ hãi vừa kính ngưỡng trước vật sắp xuất hiện. Gã cú vọ thúc vai tên tóc đỏ:

-Họ són ra quần rồi! Vậy cậu mở đi.

Vô Phong thở phù. Hắn cắt dây đoạn mở hòm. Đám người phương bắc bèn xúm vào. Trước mắt họ là một khối vật tựa thạch anh óng ánh sắc tím đỏ. Nắng đã tàn, bóng tối đã buông nhưng khối vật vẫn sáng lên như thể được ánh mặt trời chiếu rọi. Không cần kiểm nghiệm hay kiểm tra, ai nấy đều biết đó là di cốt Biệt Liên Đa Xuyến. Sau nửa thế kỷ, những mảnh xương vụn của bà đã kết thành khối vật này, nhờ nó mà toàn bộ Vương Quốc Cũ thay đổi. Tên tóc đỏ tự hỏi bằng cách nào, như thế nào hay động cơ nào đã thúc đẩy Mục Du Cổ một mình đi qua mảnh đất đầy nguy hiểm rồi đặt di cốt mẹ mình ở đây. Đó có lẽ sẽ là câu chuyện bí ẩn mà không ai biết và cũng chẳng bao giờ được kể.

Nhiệm vụ hoàn thành, cả đám thở phào nhẹ nhõm. Họ hạ trại nghỉ chân, sớm mai sẽ khởi hành rời Tàn Tích Lớn. Vô Phong không chắc điểm đến kế tiếp sau vụ này. Hắn định quay lại dinh thự họ Cát Giá, nhưng với tình cảnh cô nàng Mi Kha mặt nặng mày nhẹ, hắn không chắc mình sẽ ở đó lâu hơn nửa ngày. Dù vậy, chuyện ngày mai thì để mai tính, trước hết hắn cần một giấc ngủ.

Nhưng Vô Phong ngủ không yên giấc.

Tối hôm đó, ông giáo sư Đốc Lãm gọi tên tóc đỏ trở dậy. Thay vì trò chuyện tại chỗ, ông ta gọi hắn đến bìa rừng cách xa chỗ hạ trại khoảng ba mươi mét. Cảm giác chuyện lạ, Vô Phong mang theo vũ khí lẫn hộp đựng di cốt. Tại bìa rừng, ông giáo sư mở lời:

-Tôi cần di cốt Biệt Liên Đa Xuyến. Chúng ta có thể thương lượng không?

-Ông đang nói gì thế? – Vô Phong nhíu mày – Ông cần nó vào việc gì?

Vị giáo sư thở hắt một hơi dài. Dáng vẻ một vị giáo sư cù lần biến mất, thay vào đó là một người đàn ông đứng thẳng lưng sau chuỗi ngày dài mệt mỏi. Ông ta nói:

-Tôi chịu đựng Băng Hóa quốc đủ rồi, Phong ạ. Đất nước thổ tả đó coi chúng tôi như công cụ, dùng khi cần và vứt khi hết giá trị. Băng Hóa tận dụng chúng tôi vào Đề Án Mắt Trắng, sau đấy bỏ tôi vào thùng rác. Họ cầm tù tôi như giam giữ một con chó để nó không chạy ra ngoài cắn sủa lung tung. Tôi, các nhà khoa học Đề Án Mắt Trắng, tất cả đều như vậy. Những khoa học gia trước hay sau chúng tôi cũng đều như vậy. Giờ Băng Hóa phải trả giá, Liên Minh Phương Bắc sụp đổ và họ vĩnh viễn không thể thống trị lục địa này thêm nữa.

-Vậy ông muốn di cốt họ Biệt Liên? – Vô Phong vòng tay trỏ vào chiếc hộp đeo sau lưng.

Ông giáo sư gật đầu:

-Phải. Tôi sẽ mang nó đi, giấu ở một nơi thật xa, nằm ngoài tầm tay người Băng Hóa. Không còn di cốt, không còn mảnh vụn nào của họ Biệt Liên, Băng Hóa sẽ sụp đổ. Gã thống lĩnh Khai Y chỉ có một phần tư dòng máu Biệt Liên, gã không phải dòng máu thuần chủng. Gã sẽ chẳng thể làm gì cho Băng Hóa. Đưa di cốt cho tôi, chúng ta sẽ cùng có lợi. Tôi đã liên hệ với một nhóm người, họ cũng cần di cốt Biệt Liên Đa Xuyến.

-Ông liên hệ với ai cơ? – Vô Phong chau mày.

Ông giáo sư chưa kịp trả lời, vài bóng người từ phía sau ông ta đột ngột xuất hiện. Họ vận quần áo đen tuyền và che kín mặt bằng những chiếc mặt nạ trắng sơn xanh sơn đỏ. Vô Phong từng thấy vài kẻ như vậy. Hồi ở sa mạc Hồi Đằng, hắn từng chung đội với thánh sứ Thôn Tàng, các hộ vệ của cô ta trông y hệt những kẻ mới xuất hiện đây[1]. Một kẻ đeo mặt nạ cất lời:

-Chào Vô Phong. Chúng tôi là người của Ẩn Lý Thị. Hôm nay chúng tôi đến để giải quyết nợ nần giữa cậu và tiểu thư Mục Á.

Ông giáo sư Đốc Lãm trố mắt, vẻ như không hề biết mục đích thật sự của những con người này. Vô Phong lắc đầu ngao ngán:

-Tổ sư ông già! Bắt tôi trả nợ ngay hôm nay sao? Ông chơi được lắm!

Bình luận (3)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

3 Bình luận

đúng là chỉ bóp bi là giỏi, nhiều khi mấy ông khoa học gia não nhiều nếp nhăn vẫn có vài pha xử lý đi vào lòng đất như thế này @@
Xem thêm
Nhân quả cả mà, với lại chúng ta chỉ biết là đám bốc mả mở tài khoản tìm người chứ đâu phải ai trong truyện cũng biết là người mở tài khoản là đám bốc mả mà bác. Dù sao thì không Ẩn Lý Thị thì chó săn của Phi Thiên (và Trần Độ) cũng đã và sẽ tới ( Mai Hoa và Thú ) ( à, Mai Hoa làm việc cho Trần Độ từ sau vụ Hồi Đằng )
Xem thêm
Ờ, đào bới mấy ngày, vừa đủ thời gian để đám này mò tới. Giờ xem làm sao sống nào.
Xem thêm