Đường về nhà
Cáo Bắc Cực
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Toàn tập

Đường về nhà

4 Bình luận - Độ dài: 5,891 từ - Cập nhật:

    Chiếc taxi chạy qua đoạn đường khu dân cư nhưng không thể tăng tốc. Nó bắt đầu chậm dần rồi dừng hẳn. Anh tài xế xuống xe kiểm tra rồi quay lại với một thông tin chẳng mấy vui vẻ cùng một nụ cười.

    "Đen cho chú, xe ngỏm rồi. Chú xuống đây bắt xe khác đi tiếp đoạn còn lại giúp anh được không? Giờ anh phải ngồi đây đợi cứu hộ thôi."

    Rồi xong! Con đường này mới được làm lại rộng hơn, tốt hơn ngày xưa nhiều nhưng mà chẳng thấy có mấy xe cộ qua lại mấy. Lấy đâu ra taxi chạy ngang để mà về cơ chứ. Dù vậy thì tôi vẫn phải cám ơn tài xế và trả tiền xe cho người ta.

    Khệ nệ bê cái vali to đùng xuống xe, cùng với một cái balo nữa. Đây là tất cả những gì tôi đã mang đi nửa vòng trái đất để về nhà. Không hề báo trước với ai về chuyến đi này nên chẳng có ai đến đón cả. Tôi cũng về thẳng nhà ngay từ sân bay mà chẳng bận tâm mua một cái sim điện thoại để dùng tạm. May mắn một điều là từ đây về nhà tôi chắc chỉ còn khoảng ba, bốn cây số nữa thôi. Với khoảng cách này thì vẫn có thể quốc bộ được.

    "Có lẽ là em đi bộ từ đây."

    "Sao chú không đợi thêm một chút, kiểu gì rồi chẳng có xe chạy qua."

    "Cảm ơn anh. Cũng không còn bao xa nữa nên em đi bộ được."

    Tạm biệt người tài xế, khoác balo lên vai rồi bắt đầu kéo vali đi. Con đường liên thôn mà tôi biết giờ đây đã được dải nhựa hẳn hoi. Đi hết đoạn đường vắng này đến cụm dân cư tiếp theo, đấy chính là làng tôi, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Nhưng đến đó thôi thì vẫn chưa về nhà được, nó ở xa hơn nhiều và từ đường chính đi vào cũng vòng vèo nữa.

    Tôi biết một con đường tắt để về nhà, con đường mà tôi dùng suốt những năm tháng học sinh để ra được đường chính nhanh hơn. Và nó kia rồi, con đường dưới gốc cây gạo lớn. Cái cây đứng một mình bên những cánh đồng nên dù đi từ hướng nào cũng có thể dễ dàng thấy được. Tôi biết nó từ thuở bắt đầu biết mình. Cây gạo gắn liền với tuổi thơ của biết bao đứa trẻ, chứng kiến chúng từng ngày lớn lên rồi trưởng thành. Giờ này chắc nó cũng phải đến hơn bảy chục tuổi rồi đấy chứ. Lớp trẻ chúng tôi giờ đây thì chả còn ai biết ai là người đã trồng cây gạo đấy và vì sao lại trồng nó một mình nơi đây.

    Cứ mỗi năm, khi bắt đầu mùa hè là đám nhỏ chúng tôi lại ngửa cổ trông ngóng hoa gạo rơi. Những bông hoa lớn năm cánh rời cành và xoay tròn trong không khí từ từ rơi xuống. Chúng tôi sẽ thi nhau bắt lấy những bông hoa rồi xếp lại thành hình trên mặt đất.

    Tuổi thơ tôi lớn lên cùng những cánh diều, những cánh đồng lộng gió quê hương đều là những bãi thả. Chiều chiều, đám trẻ chúng tôi hò hét nhau thả diều thi. Những cánh diều mềm mại như những cánh chim. Mang theo những khát vọng, những ước mơ tuổi trẻ bay cao tới tận trời xanh. Chúng tôi vui sướng đến phát dại nhìn những cánh diều cưỡi gió chinh phục trời cao. Và cây gạo đấy sẽ đung đưa cành lá theo để cổ vũ cho những ước mơ của chúng tôi bay cao hơn.

    Tôi nhớ nó, nơi bóng cây những đứa trẻ chúng tôi thường hay tụ tập. Nhớ những buổi chiều lộng gió trên những cánh đồng. Tôi nhớ nó, hương đồng gió nội đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi. Tôi nhớ, nhớ quê hương tôi da diết.

    Rẽ xuống một con đường đất đầy cỏ xanh hai bên, tôi bắt đầu hướng thẳng tới cây gạo lớn giữa cánh đồng đấy. Cái vali lắc lư theo nhịp gập ghềnh của con đường cắt ngang giữa cánh đồng lúa trở nên nặng nề hơn tôi nghĩ.

    Mùa vàng, mùa của những cánh đồng lúa chín. Nhưng có vẻ tôi không về đúng thời điểm lúa chín rồi. Chắc là tầm hai tuần nữa. Dù vậy thì ở thời điểm nào thì cánh đồng lúa cũng có những đặc điểm riêng của nó mà không khi nào khác có được. Tôi đi ngược gió, giữa ngàn hương lúa sữa của đồng quê. Làn gió luồn qua mái tóc khiến nó tung bay, lướt qua da mang đi cái nóng. Mang tới mùi thơm dịu dàng tươi mát, mang theo hương vị quê nhà mà xộc vào trong phổi.

    Cánh đồng lúa xanh rì rào theo làn gió, tạo lên những cung bậc khác nhau. Khi mạnh mẽ cuộn trào như một làn sóng dâng lên vỗ vào bãi cát. Khi nhẹ nhàng dịu êm như lời hát ru của mẹ. Lúc lại nghe như một tiếng thì thầm thiết tha nồng thắm chuyển từ cây này sang cây khác. Có khi bỗng im bặt một thoáng lấy sức để rồi tiếp tục cất lên bản nhạc hiền hòa của tự nhiên.

    Tôi cứ thế bước đi dưới ánh chiều tà, mặt trời đang dần chìm xuống dưới những rặng cây xa xôi của ngôi làng phía tây. Những áng mây nhẹ nhàng trôi theo gió bị nhuộm vàng một màu của ánh mặt trời. Hoàng hôn quê hương vẫn đẹp đẽ và thơ mộng làm sao.

    Một đàn cò dàn hàng bay qua trên đầu, chúng đang trở về tổ sau một ngày kiếm ăn xa. Tôi cố gắng nhanh chân đuổi theo đàn cò về phương nam, mong rằng sẽ về nhà nhanh hơn.

    Những tấm lụa vàng trên trời chuyển mình theo gió, phủ mình lên tấm thảm nhung xanh rì dưới mặt đất. Ông mặt trời đã gần như khuất dạng sau những hàng cây. Để lại những tia sáng rực đỏ phương tây, nhuộm lên tấm lụa màu sắc của mình. Bầu trời thật không còn gì huyền ảo hơn lúc này. Tôi bất giác dừng lại mà nhìn ngắm cảnh tượng xung quanh. Dang rộng hai tay để có thể ôm trọn bầu trời như một người tri kỷ lâu ngày không gặp. Ngồi hẳn lên cái vali, hít lấy cho đầy phổi hương thơm mát lành của cánh đồng lúa sữa, lấy thêm sức lực cho đoạn đường về nhà tiếp theo.

    Mỗi bước chân trên đường trở về là mỗi kỷ niệm ùa về. Nhà tôi khá giả chứ chẳng phải nghèo khó gì, thế nhưng tôi, một đứa trẻ nhà quê tất nhiên đã từng tự tay mình cấy những cây mạ non trên những đồng nơi đây, góp một phần mình vào những mùa vàng. Những ngày mò cua bắt ốc trên đồng cùng với đám trẻ trong làng. Những ngày đi bắt cào cào dử cá bên mương nước. Những buổi chiều thả diều trên đồng gió lộng. Những hôm bắt hoa gạo rơi, đánh cỏ đầu gà, đan dây cỏ, ...

    Những trận bóng trên những cánh đồng mùa đông khô hạn chẳng cần trọng tài và đôi khi thì còn chẳng biết gôn bóng với thủ môn ở đâu. Những ngày mang khoai ra đồng rồi gom rơm rạ cỏ khô nướng với nhau. Những lúc đi hái rau khúc cho bà. Cái lều bằng gậy sắn phủ rơm cỏ lấy làm căn cứ cho mấy thằng con trai nghịch ngợm chúng tôi. Tuổi thơ tôi gắn liền với những cánh đồng nơi đây. Xuân hạ thu đông, bốn mùa đều tràn ngập những kỷ niệm.

    Bầu trời chuyển sang sắc hồng và mất dần đi ánh sáng. Bức màn bóng tối đang dần phủ lên vạn vật xung quanh. Tôi phải nhanh lên để về kịp trước khi trời tối hẳn. Bước chân vội vã như những ngày mải chơi quên giờ về rồi sẽ lại bị mẹ mắng. Tụi trẻ chúng tôi dù lớn hay nhỏ đều muốn thả cho những cánh diều vươn lên cao nhất có thể. Và than ôi mỗi khi chúng tôi nhận ra đã đến lúc phải thu diều về thì chắc chắn khi về đến nhà sẽ là lúc tối mò. Mẹ vẫn thường phải sai em tôi đi tìm mỗi lúc như vậy, và kết cục sẽ luôn là cả hai anh em cùng về muộn.

    Ah, những áng mây hồng một lần nữa nhuộm lên mình sắc tím. Tôi không còn phân biệt được màu sắc của cỏ dưới chân, lúa trên đồng và những hàng cây xa xa nữa. Giờ này ở quê đã quá giờ ăn tối rồi, về đến nhà hẳn là sẽ lại bị mắng một trận rồi. Thế nhưng tôi lại chẳng thấy lo sợ như những ngày dạo đó mà lại có một niềm hân hoan lạ thường. Phải rồi, gia đình tôi vẫn ở đó, vẫn luôn chờ đón tôi trở về.

    Đi qua cây gạo trên gò đất trống bên đường, một đoạn nữa thôi là về tới nhà rồi. Những hàng cây trong làng đang mỗi lúc một gần, trời mỗi lúc một tối hơn.

    Tôi rẽ sang một con đường cắt ngang, chỉ có một đường để về nhà từ vị trí này, cỡ vài trăm bước chân tính từ cây gạo. Tôi đã đi mòn con đường đấy lên chẳng thể nào nhầm được. Từ những cuộc điện thoại thường xuyên suốt vài năm qua, thi thoảng tôi có nghe bố nói có gia đình này mới chuyển đến, có nhà nọ mới xây lên. Nhưng tôi chẳng ngờ được là có nhiều nhà mới ở đây đến vậy chỉ trong vòng 5 năm.

    Các cụ ngày xưa vẫn hay quan niệm nhà giữa làng, ruộng giữa đồng để nếu có trộm thì người ta cũng trộm của nhà khác trước. Nhưng ngày nay thì lại ngược lại, cứ nơi nào thông đường tiện lối thì ta ở, nơi nào thoáng đãng thoải mái thì ta đến. Gia đình tôi là nhà đầu tiên chuyển từ giữa làng ra rìa, một mình vượt đất xây nhà ngay trên nơi từng là một mảnh ruộng. Suốt nhiều năm cho đến khi tôi đi du học cũng chỉ có thêm bốn nhà nữa đến đây và lập thành xóm Mới. Ngày đó, cứ rẽ vào con đường này là tôi mặc định sẽ nhìn thấy nhà mình rồi, chẳng phải nhớ xem nó nằm ở cái vị trí nào cả.

    Vậy mà giờ đây, vừa rẽ vào một đoạn đã là nhà dân. Đường mới được làm, ngõ mới được mở, những ngôi nhà mới khang trang cao lớn chắn hết tầm nhìn. Nhà tôi ở ngõ thứ mấy vậy? Ở quê thì làm gì có tên đường, tên ngõ hay số nhà. Muốn tìm nhà ai thì đường từ miệng mà ra, cứ hỏi nhà ông này bà nọ là được. Nhưng chẳng nhẽ tôi lại đi hỏi nhà mình ở đâu!

    Vậy là cứ thế đi thôi. Mấy đứa trẻ trong xóm chạy qua đều ngoái lại nhìn tôi lạ lùng. Tôi cũng chẳng quen biết gì chúng, có lẽ là từ những nhà mới chuyển đến.

    Rẽ vào ngõ thứ ba mà tôi đi qua, xa tầm này thì chắc là ngõ nhà tôi đấy. Vừa bước vào một đoạn thì tôi đã phải quay ra, ngõ nhà tôi có một hàng xoan đào lớn, có cái ao sen nho nhỏ bố tôi trồng, không có cái hồ lớn nào được đào vuông vức như này.

    Tôi cần tìm cái ngõ có hàng xoan đó. Nhưng đi một hồi vẫn chẳng thấy đâu. Trời đã tối hẳn, không có mấy ai đi ngoài đường tầm này nữa, giờ này thì các gia đình hẳn đang quây quần bên nhau sau bữa tối rồi. Kéo cái vali đi một hồi thì tôi phát hiện mình đi sâu vào trong làng rồi, đành phải quay lại thôi. Nhưng chính nhờ những thứ quen thuộc chỗ này mà giờ tôi cũng xác định được nhà mình ở ngõ thứ mấy từ đây đi rồi.

    Ừm, thì ra trong ngõ nhà tôi giờ đây đã chẳng còn hàng xoan nào hết, đầu ngõ cũng đã có nhà mới xây lên nên là tôi đã chẳng thể nào nhận ra. Thật là buồn cười khi tôi đã mong ngóng được về nhà nhanh như thế nào để rồi lại mất thêm cả đống thời gian vì lạc đường. Cuối cùng thì tôi cũng đến được nơi cần đến, cánh cổng quen thuộc giờ được bao quanh bởi cây hoa giấy.

    Một cô gái đang lúi húi dọn dẹp gì đó ngoài sân.

    "My, trời tối vậy mà còn làm gì ngoài sân vậy?"

    Con bé ngẩng mặt lên nhìn, dưới ánh sáng của quả bóng đèn tròn nhỏ ngoài sân, nó đứng hình mất một lúc, cứ thế nhìn tôi chăm chăm. Hai con chó thì chạy lại ngửi ngửi, rồi như nhận ra, chúng bắt đầu mừng rỡ rối rít. 

    "Mun, Miu, hai đứa vẫn nhớ tao cơ à." Tôi đưa tay ra xoa đầu hai con chó đang chạy quanh. Chúng được thể nhảy cả lên người tôi, cắn hờ vào tay mà lôi đi. Đến lúc này thì đứa em gái tôi mới hoàn hồn trở lại mà ù té chạy đi. Nó chạy vào đến cửa thì hét lên.

    "Bố ơi, mẹ ơi, anh Tú về này! Anh Tú về."

    Hét xong thì nó lại chạy ra chỗ tôi. Cái vẻ như muốn nhảy lên mà bá vai bá cổ tôi như ngày xưa nhưng rồi lại thôi đó trông đến ngộ.

    "Anh về khi nào mà sao không báo nổi một câu thế?"

    "Mới về hồi chiều và giờ đã có mặt tại đây. Nè, quà đấy, mang hộ anh vào nhà đi."

    "Mưuuu!"

    Tôi đưa cái vali cho nó, nó bĩu môi nhưng rồi cũng kéo mang vào nhà. Tôi bước theo sau.

    Mẹ tôi đã ra đến cửa, thảng thốt chạy lại mà nắn tay nắn chân tôi.

    "Ôi giời ơi, con tôi! Đúng con tôi đây rồi."

    "Bố, mẹ, con mới về."

    Mẹ tôi sờ khắp khuôn mặt, rờ vào cổ, kiểm tra khắp người tôi như để chắc chắn xem con của mẹ vẫn lành lặn trở về, không thiếu bất kỳ bộ phận nào cả.

    "Buồn quá mẹ, haha..." Tôi không thể nhịn được mà bật cười.

    Bố tôi cũng bước tới mà đặt tay lên vai tôi, rồi nắm thật chặt mà lay mạnh. Phải cố lắm tôi mới đứng vững với bàn tay của bố.

    "Sao lại về đột xuất thế con? Mà về không báo cho ai biết vậy hở cái thằng này."

    "Con được tốt nghiệp sớm trước vài tháng nên về luôn sau khi học xong."

    "Được rồi, về muộn vậy, thế đã ăn gì chưa?"

    "Con vẫn chưa bố ạ."

    "Bà này, để cho con nó vào nhà nghỉ ngơi đã chứ cứ đứng ngoài này mãi à."

    "À ừm! Vào nhà đi con, để mẹ đi hâm lại đồ ăn cho."

    Cuối cùng thì mẹ cũng để tôi đi sau khi bố nhắc. Tôi vào nhà cùng với bố.

    "Con về từ khi nào vậy? Đã nói gì với nhà chú Cường chưa hả mà sao tao không thấy nhà chú ấy nói gì thế?"

    "Con có nói với chú rồi. Vì về không theo kế hoạch nên con bảo chú ấy đừng nói gì. Với con về đến sân bay là bắt xe về thẳng nhà luôn. Giờ này bên đây mới là sáng sớm nên chắc chú ấy sớm gọi để xem con về chưa ngay thôi."

    Tôi giải thích ngắn gọn mọi thứ để cho bố an tâm.

    "Cha bố nhà anh, lớn rồi mà bày ba cái trò như này."

    "Bố chửi đúng rồi đấy, cha con đang ở ngay đây ạ. Hìhì!!" Tôi cười toe toét sau lời mắng của bố. Dù sắc thái có khác nhau nhưng cũng thật hoài niệm. Ngày nhỏ nghịch ngợm, phá làng phá xóm cùng mấy đứa khác cũng thường xuyên bị bố mắng. Giờ này thì cũng đều trưởng thành và mỗi đứa một nơi rồi. "Bố cứ ngồi đi, con vào nhà vệ sinh chút đây."

    Tôi bỏ balo xuống ghế rồi vọt lẹ vào nhà vệ sinh sau câu nhăn nhở vừa rồi. Đây thực sự là chuyện cấp bách chứ không phải trốn tội, tôi nhịn từ tận lúc ở sân bay về đến nhà rồi. Khi trở ra thì bàn ăn đã được chuẩn bị sẵn.

    "Đợi mẹ rán cho mấy quả trứng nữa, mày về không nói gì nên chỉ có ăn đồ thừa thôi con."

    Dù có nói là thức ăn thừa thì nhà tôi cũng hay có thói quen làm dư cho cả bữa sáng hôm sau nên chắc chắn là nó chẳng thiếu thứ gì.

    "Không sao đâu mẹ, thế này là nhiều lắm rồi mà."

    "Bà để cho cái My nó làm rồi lên dọn cái phòng đi. Con nó đi xa về, lại còn lệch giờ nữa nên để nó nghỉ sớm đi. Có gì rồi mai nói cũng được, vội gì, giờ nó ở nhà chứ có đi đâu đâu."

    "Ừ đấy!"

    Mẹ tôi để lại khu bếp cho em gái tôi rồi đi lên tầng. Bố vẫn đang tiếp tục gọi điện, có lẽ là để thông báo cho người thân, họ hàng nhà tôi. Chắc ai cũng bất ngờ lắm, gọi cho ai bố cũng phải giải thích đi giải thích lại cho họ một hồi rồi mới thôi được.

    Bữa cơm đầu tiên sau một thời gian dài xa nhà, tôi ăn tối một mình. Trong khi cô em gái thì đang lục lọi cái vali của tôi cho đến khi nó tìm được cái nó cần mới dừng lại. Tôi chỉ là du học sinh, được nhà chú bảo trợ, được bố mẹ chu cấp đều đặn, có đi làm thêm thì cũng chẳng có nhiều nhặn gì nên những thứ tôi mang về gọi là quà thực sự chẳng có bao nhiêu. Mà món quà cho em gái tôi thì hơi đặc biệt một chút, nó chẳng mất mấy xu mà chỉ mất tới năm năm chuẩn bị thôi.

    Em gái tôi ôm quà của nó, một quyển sổ lớn đến bàn ăn ngồi với tôi, chắc để cho tôi đỡ cô đơn.

    "Anh thực sự tự làm nó đấy à."

    "Chứ sao."

    Con bé bắt đầu mở cuốn sổ ra xem, vừa lật trang đầu tiên thì nó đã nhận xét ngay cho được.

    "Eo, chữ anh vẫn xấu hoắc như ngày nào."

    "Chê thì trả đây."

    "Dĩ nhiên là không rồi, giờ nó là của em."

    Dù có nói gì thì mặt con bé vẫn đang thực sự rạng rỡ. Lâu lắm rồi tôi mới lại thấy được biểu cảm này. Trong cuốn sổ đó là nhật ký về những chuyến đi chơi, những buổi cắm trại của tôi kèm theo đó là những bức tranh tôi vẽ. Những chiếc lá phong đỏ, những chiếc lá vàng mùa thu, những bông hoa ép khô được kẹp trong đó tương ứng với mỗi chuyến đi. Đấy là những trải nghiệm của tôi ở đất trời Canada, và giờ thì nó sẽ thuộc về em gái tôi.

    Sự chăm chú và gương mặt cười ngây ngốc của cô em gái làm tôi bất giác cũng cười theo nó.

    "Anh cười cái gì vậy?"

    "Giống như em đó. Anh cũng cười cái mà em đang cười."

    "Xí...!"

    Có vẻ bố tôi đã gọi điện cho hết họ hàng rồi nên ông ấy cũng lên tầng trên để giúp mẹ tôi dọn phòng. Năm năm không dùng đến chắc hẳn phòng tôi đã được trưng dụng thành kho chứa đồ luôn rồi. Dọn hết nó chắc hẳn cũng khó khăn lắm khi tôi về đột xuất như này.

    Nhìn quanh đi quanh lại thì cả bố và mẹ đều không có ở đây. Tận dụng cơ hội để thực hiện hành động mà tôi chắc chắn sẽ bị mắng nếu mẹ thấy.

    "MunMun, MiuMiu, lại đây."

    Hai con chó nghe thấy gọi thì đều chạy lại. Tôi dành cho mỗi đứa một miếng trứng, cho ăn ngay trên sàn nhà. Thói quen ăn gì thì cũng cho chúng ăn cùng thứ đấy, và cái tội là cho nó ăn ngay tại chỗ.

    "Đó, tí nữa thì anh tự đi mà lau nhà trước khi mẹ phát hiện nhé."

    "Rồi rồi, nào, MiMi."

    "Aaaa..."

    Con chó thứ ba cũng há to miệng nhận lấy miếng trứng tôi gắp cho.

    "Ngon không?"

    "Dĩ nhiên rồi, em làm chứ có phải anh đâu."

    Sau bữa ăn, chúng tôi sẽ cùng nhau dọn dẹp. Vị trí vẫn như cũ, em gái tôi rửa bát còn tôi sẽ tráng lại và cất chúng lên tủ vì nó không với tới. Đấy là năm năm trước khi nó mới 13 tuổi, còn giờ thì em gái tôi đã cao hơn rất nhiều rồi. Những đường nét quyến rũ của phái nữ cũng đã rõ ràng, giờ nó là một thiếu nữ 18 rồi, không phải cái đuôi như ngày xưa nữa.

    "Mặt em có gì mà anh nhìn chằm chặp vậy?"

    "Em cao hơn rồi đó nhỉ, chắc cũng trên mét sáu rồi."

    "Hì..., một mét sáu năm. Top ba đứa con gái cao nhất lớp em đó, vị trí cao hơn anh rồi."

    "Sao lại so sánh chiều cao với anh, anh cũng top mười khi còn đi học đấy, trong khi lớp anh là lớp đông con trai nhất trường."

    "Haha ... Vẫn là chưa được tới top năm luôn, vậy là thua em rồi."

    "Cái này cũng bị thầy cô mang ra so sánh đấy hở?"

    Khi vào cấp ba, em gái tôi vẫn thường xuyên phàn nàn về việc bị mang ra so sánh vì cùng học với những giáo viên cũ của tôi. Cơ mà ngoài bốn môn tự nhiên toán lý hóa sinh thì chẳng có môn nào nó thua điểm tôi cả. Mà dù có kém thì nó cũng gần như bám sát ngay sau thôi, ngoại trừ môn vật lý đã được đặt một mức điểm kỷ lục không thể nào lớn hơn được và giải nhì vật lý trong đội tuyển học sinh giỏi. Với cái thành tích xuất sắc của nó thì tôi chẳng biết thầy cô sẽ so sánh cái gì mới được.

    "Dĩ nhiên là không rồi, nhưng em sẽ có thêm một mục nữa trong danh sách vượt qua anh."

    Tôi lau khô tay rồi quay sang nhắm hai cái má của nó mà nhéo. Cảm giác mềm mại nhưng không còn phúng phính như xưa.

    "Thế, cái danh sách đấy nó dài đến đâu rồi?"

    "AaAaaA... b Ỏ Ra  ĐA u eM ..."

    Sau khi được buông tha, em gái tôi dùng hai tay mà xoa xoa đôi má đỏ hồng của nó. Vẫn dễ thương như ngày nào. Tôi ngây người mà tận hưởng cái cảm giác thân thuộc với phản ứng của em gái tôi mà quên mất những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Không thể chạy kịp, em gái tôi túm được tay tôi rồi. Phản ứng của con chó thứ ba trong nhà khi bị ghẹo là giữ tôi thật chặt rồi đưa tay tôi lên mà gặm thật lực.

    "Aaaaa... Buông anh ra. Đau đau đau ...!"

    Rồi, dấu của một hàm răng đều tăm tắp hằn sâu trên cánh tay tôi. Nó sẽ nằm đấy vài ngày, có khi cả tuần mới hết.

    "Hai cái đứa này, lớn đầu rồi mà suốt ngày cứ như chó với mèo với nhau."

    Mẹ tôi nói vọng từ trên tầng hai xuống sau tiếng kêu của tôi. Hai anh em tôi thì chỉ biết nhìn nhau mà cười. Dù thế nào thì ở nhà có lẽ chúng tôi vẫn chỉ là những đứa trẻ mãi không chịu lớn.

    Bố mẹ vẫn chưa dọn xong được cái phòng, nó nhiều thứ được chất vào đến vậy sao? Tôi tự hỏi nhưng rồi cũng quyết định không lên đó giúp mà ngồi lại với cô em gái của mình.

    "Thế sắp được nghỉ hè chưa?" Tôi hỏi ngay khi em gái tôi mang đĩa hoa quả mới gọt ra ngồi bên cạnh tôi ở phòng khách.

    "Anh nghĩ là giờ này em có nghỉ hè sao?"

    "Dĩ nhiên, chứ sao không?"

    "Xì, chính vì anh nghỉ hè không chịu ôn luyện cật lực nên mới thiếu 0,25 điểm đại học đó."

    "Đừng có cố quá, phải để cho đầu óc có chút nghỉ ngơi thì mới học tiếp được chứ. Anh trượt do ngành chọn quá cao thôi, với ngày đó chắc không có hứng thú cho lắm vì đăng ký do định hướng nhà mình có người này người kia của bố mẹ."

    Mẹ tôi là giáo viên cấp hai. Bố là kỹ sư nhà máy nhưng vì một tai nạn ảnh hưởng đến chân phải của ông năm tôi lên tám mà phải bỏ ngang. Giờ thì bố tôi là nông dân chính hiệu với ao cá, vườn rau và đàn gà ở quê. Với nghề phụ là sửa chữa điện dân dụng quanh cái làng nhỏ này.

    Tôi từng có ý định trở thành kỹ sư như bố, nhưng bố mẹ thì lại muốn tôi học ngành y hay quân đội vì nhà tôi có nhiều người trong những ngành đó, sau này tương lai sẽ ổn định. Điểm sinh hóa của tôi cũng rất cao, thế là tôi đã nhắm mắt đăng ký thi y đa khoa. Và rồi trượt, rồi được chú bảo trợ cho đi du học.

    "Vậy sao!"

    "Chứ sao. Thế đã định thi ngành gì chưa?"

    Con bé quay sang tôi, làm tay dấu chữ V đặt ngang mắt rồi rõng rạc tuyên bố.

    "Tất nhiên là em đã có định hướng cho tương lai rồi. Thiết kế và mỹ thuật hội họa. Hì!"

    "Xì, thế mà làm như cô sẽ thi y giống như anh không bằng ý. Mào sao chọn cái ngành gì lạ hoắc vậy, chẳng liên quan gì đến thế mạnh của em cả?"

    "Đấy là chọn theo đam mê và sở thích của em chứ có phải chọn theo môn học em giỏi đâu."

    "Vậy mà bố mẹ không phàn nàn gì." Tôi nheo mắt nhìn thật kỹ biểu cảm gương mặt nó, chờ đợi một kế hoạch tỉ mỉ để thuyết phục bố mẹ nhưng hóa ra là nó chẳng có kế hoạch nào cả.

    "Em có phải trụ cột tương lai như anh đâu mà lo, dĩ nhiên là muốn làm gì cũng được, bố mẹ đều không phản đối."

    Gia đình tôi là một gia đình truyền thống nên đôi khi vẫn còn một số quan niệm xưa cũ. Ít nhất thì nó cũng cũng không phải những quan niệm xấu gì nên chẳng sao cả.

    "Ờ thế hả. Thế đã có anh nào chuẩn bị rước đi chưa?"

    "Dĩ nhiên là có rồi, xếp hàng dài cả cây số luôn." Con bé khoanh tay, ưỡn ngực tự hào mà khoe mẽ.

    "Thế thì dắt về đây đi, để anh chấm điểm hộ cho."

    "Khi nào cưới em sẽ dắt về."

    "Thế khi nào cưới?"

    "Một ngày nào đó trong tương lai."

    "Vậy mà cũng nói được nữa hở?"

    "Chứ sao. Thế còn anh, đi năm năm rồi về bất ngờ vậy mà sao không dắt theo cô nào?" Nó chuyển tư thế, quay hẳn sang tôi và bắt đầu thẩm vấn.

    "Thì anh về nhà trước xem tình hình thế nào rồi mới dắt về chứ."

    "Thế thì khi nào anh mới dắt về?"

    "Một ngày nào đó trong tương lai."

    Tôi phì cười sau khi dùng câu trả lời của nó để trả lời câu hỏi của nó. Còn em gái tôi thì co chân dậm mạnh vào chân tôi. Chúng tôi cứ thế chuyện trò qua lại. Được một lúc thì bố mẹ tôi cũng đã dọn xong phòng rồi đi xuống.

    "Mẹ dọn xong phòng rồi đấy, lên cất quần áo rồi đi tắm đi mà nghỉ ngơi. Mẹ đi soạn bài đây."

    Với thông báo đó, tôi xách balo và đi lên phòng. Để lại đĩa hoa quả cho cô em dọn dẹp. Mở cánh cửa phòng quen thuộc từ lâu, mọi thứ trong phòng thật ngăn nắp và sạch sẽ, ấm áp chẳng giống bị bỏ không lâu ngày chút nào.

    Ờ, mà đây là phòng mình hả?

    Vẫn màu sơn xanh da trời như tôi biết, vẫn cái tủ quần áo cũ. Vẫn cái kệ sách đấy, cuốn "Người thầy đầu tiên" vẫn nằm ở ngoài cùng như xưa. Trước khi đi tôi đã bàn giao lại số sách truyện của mình cho em gái, và giờ chúng vẫn được xếp ở đây. Ga trải giường tím mộng mơ, mền gối cũng cùng tông màu đấy cả. Bàn học màu hồng với cả đống những tác phẩm to nhỏ của em gái tôi trên đó. Chúng xuất hiện cả trên kệ sách nữa.

    Phòng cũ của tôi không bị trưng dụng làm kho để đồ mà bị em gái tôi chiếm dụng rồi. Phòng tôi trước đây xung quanh là những hộp kem nhựa để ươm mầm đủ các loài cây độc hoa lạ mà tôi thấy xung quanh, đầy rẫy những bình bể nước to nhỏ nuôi đủ thứ con vật lạ lẫm mà tôi túm được ngoài đồng hay dưới ao. Bây giờ thì xung quanh là các bức vẽ, giấy gấp các hình nghệ thuật. Em gái tôi còn đóng khung cả cái bức tranh mà hai anh em vẽ chung đặt bên bàn học nữa kìa.

    "Anh làm gì trong phòng em thế? Phòng anh bên này cơ mà." Giọng nói của em gái tôi kéo tôi về lại thực tại từ những dòng ký ức xa xưa.

    "Em chiếm dụng phòng anh mà chẳng nói gì rồi giờ lại đuổi anh như vậy sao? Hix hix ..." Tôi trả vờ dụi mắt khóc mà quay lại.

    "Thì em đã nhường cho anh căn phòng tuyệt nhất hành tinh này rồi đó. Hãy biết ơn em đi."

    "Ồ, thế mà em vẫn chuyển từ căn phòng tuyệt nhất hành tinh đấy sang phòng anh sao?"

    "Đấy chỉ là vì phòng anh rộng hơn thôi."

    "Hừm!"

    Tôi tiến lại gần định đưa tay lên nhéo má nó lần nữa nhưng lần này thì con bé đã tỉnh hơn rồi. Nó thoát ra khỏi tầm tay tôi rồi còn chụm hai tay bên mặt, lè lưỡi trêu chọc trước khi chạy biến.

    Tôi bước sang căn phòng đối diện, vốn trước đây là phòng em gái tôi nhưng giờ thì nó là phòng của tôi. Trần và nửa trên những bức tường là màu bầu trời xanh với những đám mây trắng được sơn vẽ tỉ mỉ đây đó. Phần dưới những bức tường là thảm cỏ xanh biếc điểm những bông hoa và những cánh bướm đầy màu sắc. Toàn bộ nó là một bức tranh lớn bao trọn căn phòng. Dù không phải căn phòng tuyệt nhất hành tinh nhưng phải công nhận là căn phòng này rất đẹp, nó được làm đúng theo ý của em gái tôi mà.

    Tôi cất hết quần áo trong balo vào tủ rồi đi tắm. Khi xong thì cả nhà cũng đã im ắng ai về phòng nấy hết rồi. Ở miền quê nông nghiệp này thì gần như nhà nhà đều đi ngủ sớm khi trời đã tối và dậy rất sớm vào sáng hôm sau khi trời chỉ mới chớm đông. Có ít nhà sáng điện muộn như nhà tôi lắm. Mẹ đang soạn bài giảng cho tuần mới trong phòng dù hôm nay là thứ sáu. Ngày mai hẳn nhà tôi sẽ làm một bữa tiệc nho nhỏ và rồi sẽ khá là bận một chút nên bố chắc cũng chuẩn bị đi ngủ rồi.

    Dù bố nói là lệch giờ sẽ mệt nên để tôi đi ngủ sớm nhưng mà cả quãng đường về tôi đã ngủ trên xe rồi nên giờ cũng chẳng thể ngủ tiếp cho được. Đành ra ban công ngồi hóng gió ngắm sao trời vậy. Vừa ngồi xuống hàng ghế ngoài trời này thì em gái tôi cũng xuất hiện mà ngồi đấy cùng tôi.

    "Không học à mà ra đây ngồi?"

    "Em nghỉ hè rồi, để hôm sau học tiếp."

    Tôi chỉ còn biết cười với câu trả lời này của nó rồi quay trở lại với bầu trời sao. Em gái tôi cũng im lặng ngắm nhìn bầu trời bên cạnh tôi.

    Những ngày hè trước đây chúng tôi cũng hay ngồi hóng gió cùng nhau như lúc này đây. Bầu trời đêm êm đềm và lặng lẽ, lấp lánh những ánh sao. Chúng tôi vẫn thường nối sao để tạo nên những hình ảnh tưởng tượng của mình. Đâu là ông thần nông chăn vịt bên bờ sông Ngân. Đâu là con bọ cạp, ba ngôi sao sáng thẳng hàng kia tên là gì, mấy ngôi sao bay là là kia là mấy cái vệ tinh do người ta mang lên bầu trời. Hay là cùng nhau chờ đợi những ngôi sao băng vụt qua.

    Sau một thời gian xa vắng rồi trở về, nơi nào cũng ngập tràn những kỷ niệm. Những ký ức cứ thế kéo nhau ùa về trong tâm trí tôi cho đến khi cảm giác đôi vai trở nên trĩu nặng. Chẳng biết là đã bao lâu trôi qua nhưng mà em gái tôi đã ngủ gật ngon lành bên vai tôi rồi. Tôi vỗ nhẹ vào má nó vài cái để đánh thức mà chẳng có tí tác dụng nào cả.

    Oi, con lợn này! Ngủ thì cũng phải cảnh giác với xung quanh một chút đi, mấy nữa đi học xa nhà rồi tính sao.

    Đành phải dùng biện pháp mạnh hơn rồi. Tôi đưa tay kéo má, vậy mà nó cũng chỉ lờ đờ mở mắt dậy. Tôi đã mong đợi một phản ứng dữ dội hơn chứ.

    "Dậy đi ngủ nhanh nên."

    "Gì vậy! Em đang ngủ mà sao lại đánh thức dậy rồi lại kêu đi ngủ." Nó đáp lại bằng một cái giọng ngái ngủ rồi toan nhắm mắt ngủ tiếp.

    "Dậy vào phòng mà ngủ không anh để cho ngủ ngoài trời bây giờ."

    Con bé uể oải đứng dậy rồi về phòng. Có lẽ là tôi cũng nên đi ngủ bây giờ, ngày mai sẽ có cả một ngày ngồi trả lời đủ thứ câu hỏi như hầu tòa đây. Về phòng ngủ thôi.

    Chúc ngủ ngon!

Bình luận (4)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

4 Bình luận

AUTHOR
Quá đỉnh!!! Nhẹ nhàng và đồng cảm! Vì một phần tui cũng từng là du học sinh, một phần vì có cái os tui cũng viết về chủ đề như vậy nhưng dùng con vật. Có vài câu tác nên chú ý xíu nhé, như theo tui thấy, cảnh thôn quê Việt Nam mình đẹp lắm, nếu có thể thêm cái câu từ phong phú và hoa mĩ xíu để mô tả, tui nghĩ sẽ càng tuyệt vời! Mặc dù như z cũng đủ để hình dung ra rồi, vì thôn quê thì ai cũng phải có một để mà nhớ tới. À ngoài ra còn vài câu đảo ngữ/thiếu chủ ngữ nhé. Tác thử coi lại xem sao.

Tổng thể thì mình thích oneshot thể loại z nè, nhẹ nhàng.
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
Cảm ơn bạn rất nhiều! Vì vốn từ của mình vẫn còn hạn hẹp nên vẫn chưa thể hiện được nhiều. Có thể sau này cải thiện hơn thì mình sẽ sửa lại và cũng sẽ xem xét lại. Mình cũng sẽ coi lại cách dùng câu từ của mình xem hợp lý không vì đôi khi những câu tưởng lỗi nhưng mà là cố tình viết vậy á.
Xem thêm
Xem thêm 1 trả lời
AUTHOR
Hay nha bro
Xem thêm